Có mặt tại Trường THPT Kim Sơn B vào một ngày cuối tháng 4, chúng tôi nhận thấy không khí học tập tại trường như gấp rút, khẩn trương hơn. Em Vũ Thị Thu Hà, học sinh lớp 12B2 cho biết: Là học sinh cuối cấp, nhận thấy đây là thời điểm quan trọng trong cuộc đời học sinh, nên ngoài những kiến thức học ở trường, em và các bạn cũng tăng thêm thời gian học ở nhà hơn trước để ôn tập, nắm vững các kiến thức đã học. Em cũng tìm các tài liệu tham khảo mà thầy, cô giáo giới thiệu để làm thêm các dạng bài tập, rèn cho mình tính chủ động, bình tĩnh trong các kỳ thi. Được thông báo 6 môn thi tốt nghiệp, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học và Địa lí; trong đó các môn: Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, chúng em được các thầy, cô giáo bộ môn đưa ra hệ thống câu hỏi và bài tập phù hợp, giúp chúng em học tập theo đề cương, không bỏ sót nội dung đã học...
Là giáo viên dạy môn Vật lý của Trường THPT Gia Viễn B, cô giáo Phạm Thị Kim Thoa chia sẻ: "Nếu đợi đến thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo công bốmôn thi tốt nghiệpcho học sinh lớp 12 mới ôn tập chắc chắn sẽ rất vội vàng. Bởi vậy ngay từ đầu năm học, trên cơ sở phân phối chương trình, chúng tôi đã dạy đảm bảo kiến thức và có kế hoạch ôn luyện theo từng phần. Đối với môn Vật lý, khối lượng lý thuyết khá nhiều nên trong các giờ dạy, giáo viên nên đưa ra các hình thức kiểm tra dưới dạng câu hỏi ngắn vào thời gian đầu giờ hoặc dành từ 5 đến 10 phút kiểm tra trên giấy. Cách làm này sẽ tạo cho học sinhcó thói quen học và nắm chắc lý thuyết ngay từ đầu. Sau này, đến thời gian cuối chuẩn bịthi tốt nghiệp,các em tiếp tục có thời gian ôn tập khắc sâu kiến thức một lần nữa. Điều này rất quan trọng giúp các em có thể hoàn thành được các dạng bài tập, làm bài thi sẽ tự tin, hiệu quả…
Tại trường THPT Gia Viễn B, không khí học tập, ôn luyện cũng diễn ra khẩn trương hơn mặc dù thời tiết những ngày cuối tháng 4 khá nóng và oi bức. Thầy Đặng Khắc Nam, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2012-2013, khối 12 của trường có 10 lớp với 422 học sinh. Ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn có kế hoạch giảng dạy và kết hợp ôn tập theo các kiến thức trọng tâm, có tham khảo nội dung và hình thức các đề thi tốt nghiệp năm trước. Yêu cầu các giáo viên phải xây dựng kế hoạch để đảm bảo hoàn thành chương trình theo đúng thời gian quy định. Song song với việc dạy đúng, dạy đủ chương trình, các giáo viên bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng. Như môn Toán là một trong 3 môn không thể thiếu trong các kỳ thi tốt nghiệp nên được giáo viên bộ môn quan tâm đầu tư, thống nhất không để dồn ép cuối năm mới tập trung ôn luyện. Tổ bộ môn đã xây dựng kế hoạch thống nhất chung cho tổ, cụ thể từng chương, từng bài; những kiến thức cơ bản, kiến thức trọng tâm, những kỹ năng làm bài. Các giáo viên có trách nhiệm phân chia thời gian hợp lý giữa dạy lý thuyết và làm bài tập, thời điểm nào ôn tập từng phần, thời điểm nào ôn tập tổng hợp… Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố các môn thi tốt nghiệp THPT, giáo viên bộ môn tăng cường ôn luyện, thực hành, rèn luyện kĩ năng làm bài, phương pháp làm bài, hướng dẫn học sinh làm quen với các dạng đề thi, hình thứcthi tốt nghiệp. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, thi thử để học sinh nắm được nội dung, chương trình các môn thi tốt nghiệp, rèn luyện kỹ năng làm bài, làm quen với các thể loại câu hỏi và hình thức thi tốt nghiệp và thi vào các trường đại học, cao đẳng, phấn đấu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%...
Thầy giáo Lê Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thành phố Ninh Bình) cho biết: Ngay từ đầu năm học, các môn học nhà trường đều đặt ra mục tiêu dạy - học trên tinh thần thi tốt nghiệp, nên khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố các môn thi, cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đều không có nhiều bỡ ngỡ. Nhà trường cũng nhận thức rõ giai đoạn ôn tập để thi tốt nghiệp rất quan trọng, quyết định nhiều đến kết quả thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, do đó đã chỉ đạo giáo viên bộ môn thường xuyên cập nhật kiến thức mới, các nội dung mới trong các văn bản chỉ đạo của Bộ, của Sở để truyền đạt cho học sinh. Đồng thời có các hình thức kiểm tra và thi thử phù hợp để biết thực trạng của học sinh, từ đó có các biện pháp điều chỉnh cho phù hợp trong cách dạy và học. Theo đó, tập trung rèn kỹ năng làm bài tự luận đối với các môn Toán học, Ngữ văn, Địa lý và rèn kỹ năng làm bài trắc nghiệm đối với các môn Hóa học, Ngoại ngữ, Sinh học... Kết quả thi tốt nghiệp đạt 100% ở năm học trước với 10 học sinh tốt nghiệp loại giỏi vừa là nguồn động viên nhưng cũng là áp lực cho thầy và trò nhà trường tiếp tục phấn đấu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 đạt kết quả cao hơn...
Đồng chí Trần Quang Ánh, Phó Giám đốc Thường trực Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2012-2013 sẽ được tổ chức vào các ngày 2, 3 và 4-6-2013 với 6 môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ, Hóa học, Địa lý và Sinh học. Trong đó, các môn Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm. Riêng học sinh hệ Giáo dục thường xuyên thi 6 môn là Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Sinh học, Địa lý; trong đó, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm. Với môn ngoại ngữ, thí sinh phải thi một trong các tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật. ở hệ Giáo dục thường xuyên, thay môn Ngoại ngữ bằng môn Vật lý. Năm nay, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ không tổ chức Hội đồng coi thi riêng cho hệ Giáo dục thường xuyên, mà thi ghép với giáo dục THPT trong cùng 1 Hội đồng thi (nhưng có phòng thi riêng cho hệ Giáo dục thường xuyên).
Để kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 đạt kết quả cao, ngoài việc chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi, Sở chỉ đạo các trường THPT, các Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh tăng tốc ôn thi cho học sinh, tăng thời lượng ôn thi 6 môn chính, đảm bảo cho học sinh nắm vững những kiến thức cơ bản. Cùng với việc ôn tập bám sát trình tự của chương trình sách giáo khoa, các nhà trường, thầy, cô giáo cần chú ý tổ chức ôn tập cho học sinh theo từng chủ đề. Nội dung kiến thức mỗi chủ đề có thể là kiến thức, kỹ năng của các chương, các bài khác nhau, có thể là tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12... Bên cạnh việc giúp học sinh hệ thống lại kiến thức, kỹ năng, các thầy, cô giáo cần dành thời gian hướng dẫn học sinh biết cách phân tích đề thi, trình bày bài thi theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi, cách phân bố thời gian hợp lý để giải quyết đề thi tương ứng với thời gian quy định cho mỗi môn thi. Đặc biệt, hướng dẫn các em học sinh trả lời câu hỏi trắc nghiệm để tránh bị trừ điểm do những lỗi kỹ thuật.
Qua thực tế cho thấy, tùy vào đặc điểm của mình mà các trường THPT và trung tâm GDTX có những phương pháp ôn tập phù hợp cho học sinh, tất cả hướng đến mục tiêu giúp các em học sinh cuối cấp có đủ kiến thức, tự tin khi bước vào các kỳ thi, trước mắt là kỳ thi tốt nghiệp THPT, sau đó là kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013 để đạt kết quả cao nhất.
Mỹ Hạnh