Được biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có tổng số 5 bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân). Riêng bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm. Đây cũng là lần đầu tiên môn Toán được tổ chức theo hình thức thi trắc nghiệm nên nhận được nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh, học sinh và cả giáo viên, trong đó hầu hết thể hiện tâm lý lo lắng, không an tâm. Để tháo gỡ tâm lý này, ngày 5-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi minh họa. Đây là cơ sở để giáo viên soạn bài, đổi mới phương pháp giảng dạy tự luận sang trắc nghiệm, xây dựng đề cương ôn tập và cũng là để học sinh làm quen với dạng đề này. Từ đó, các trường THPT trên địa bàn cũng đã khẩn trương xây dựng kế hoạch để học sinh sớm ổn định tâm thế cũng như chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT sắp tới. Yêu cầu đặt ra đối với các trường lúc này là thay đổi cách dạy và học, bám sát chương trình lớp 12 một cách tích cực, linh hoạt.
Tại Trường THPT Kim Sơn A, ngay sau khi có phương án thi THPT quốc gia 2017, nhà trường đã triển khai đến các thầy, cô giáo giảng dạy khối 12 cũng như định hướng cho gần 400 học sinh lớp 12 của Trường lựa chọn bộ môn mà các em sử dụng kết quả xét tốt nghiệp và đại học; từ đó sắp xếp lại lớp theo từng tổ hợp để có phương pháp, nội dung giảng dạy phù hợp. Riêng đối với môn Toán, là môn năm đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa, nhà trường đã yêu cầu các tổ Toán họp chuyên môn và giao cho mỗi giáo viên xây dựng một bộ đề trắc nghiệm từ 30 - 50 câu hỏi để làm ngân hàng đề cho nhà trường. Trên cơ sở đó, nhà trường cũng khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy tự luận sang trắc nghiệm. Hiện nay, học sinh đang được làm quen dần với các bài kiểm tra trắc nghiệm trên lớp với số lượng câu hỏi và mức độ kiến thức phù hợp, mục tiêu chung là giảm bớt dạng bài tập có lời giải quá dài, hướng học sinh làm quen với hình thức trắc nghiệm, không còn tâm lý lo lắng.
Theo thầy hiệu trưởng nhà trường Tạ Duy Bình, để đáp ứng yêu cầu của hình thức thi trắc nghiệm, bên cạnh việc dạy và học bao quát kiến thức, học sinh phải hiểu rõ bản chất vấn đề, cũng như cần có kỹ năng làm bài nhanh. Đồng thời, việc giảng dạy đối với các em học sinh khối 12 của Trường phải bám sát chương trình học, đáp ứng chuẩn kiến thức. Đối với những môn lần đầu được đưa vào kỳ thi như Giáo dục công dân, Trường sắp xếp tăng giờ ôn tập cho học sinh; còn đối với những môn chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm như: Toán, Lịch sử, Địa lý, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn thay đổi cách dạy từ tập trung sâu về một số vấn đề sang cách dạy bao quát kiến thức để phù hợp hơn với hình thức thi trắc nghiệm…
Đối với Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình), trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Trường có trên 360 học sinh lớp 12 tham gia. Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Nga, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước kỳ thi có tính chất quyết định cho cả 12 năm học tập của các em, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học sinh lớp 12 và có kế hoạch cụ thể, phân công những giáo viên có kinh nghiệm để đảm nhiệm giảng dạy ở khối lớp 12.
Với những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, nhất là ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa cho kỳ thi, các tổ chuyên môn của nhà trường cũng đã họp và phân công các thành viên xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi thử để các em học sinh có thể tiếp cận, cũng như làm quen với các dạng câu hỏi trắc nghiệm. Cùng với đó, các thầy, cô giáo cũng chuyển đổi việc dạy và học theo hướng bao quát kiến thức, giúp các em thay đổi thói quen tư duy từ tự luận sang trắc nghiệm. Ban giám hiệu nhà trường cũng đã yêu cầu giáo viên điều chỉnh cách ra đề thi và kiểm tra, bám sát nội dung thi chủ yếu trong chương trình học lớp 12. Đồng thời, rèn kỹ năng cho học sinh thông qua các bài kiểm tra, đánh giá 15 phút, một tiết theo hình thức trắc nghiệm ở những môn thi có sự thay đổi cách thi như các môn Toán, Lịch Sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Việc dạy và học sẽ toàn diện hơn, không còn tình trạng học tủ, học lệch. Từ đó, hầu hết các em học sinh nhà trường không còn tâm lý hoang mang, lúng túng, thay vào đó nhanh chóng bắt nhịp với cách học mới, hình thức thi mới, chủ động thu nạp kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi cam go sắp tới - cô Phó hiệu trưởng nhà trường Vũ Thị Kiều Nga cho biết thêm.
Cùng với việc đổi mới hình thức giảng dạy và học tập trong các giờ lên lớp, thời gian qua, nhiều trường THPT trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa bằng hình thức cho học sinh trải nghiệm, thi hùng biện, thi tiểu phẩm, nắm bắt các nội dung học tập bằng hình thức sân khấu hóa… giúp học sinh tiếp nhận tri thức một cách hiệu quả, bao quát, toàn diện. Tiêu biểu như các trường THPT Nho Quan C, Gia Viễn B, Kim Sơn A, Lương Văn Tụy, Vũ Duy Thanh… đã tổ chức các buổi ngoại khóa tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của quê hương thông qua các buổi tham quan các di tích lịch sử; tìm hiểu những kiến thức pháp luật…, giúp học sinh có thêm kiến thức để áp dụng hiệu quả trong các kỳ thi trắc nghiệm.
Đặc biệt, trước những đổi mới của kỳ thi THPT Quốc gia 2017, một số Nhà xuất bản đã phát hành bộ sách phục vụ kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, gồm ít nhất 5 cuốn, tương ứng với 5 môn và nhóm bộ môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Các sách này được các Nhà xuất bản phối hợp với các tác giả là các chuyên gia giáo dục có uy tín, giảng viên giàu kinh nghiệm, giáo viên dạy giỏi ở các trường THPT - những người đã có nhiều kinh nghiệm tham gia công tác tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn. Nội dung của các bộ sách cập nhật và bám sát yêu cầu của Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đó giúp học sinh có thêm bộ tài liệu chuẩn kiến thức để tham khảo và học tập.
Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường THPT, TTGDTX triển khai tổ chức kỳ thi theo phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Yêu cầu, việc ôn tập cần được thực hiện ngay trong quá trình dạy học, sau mỗi chủ đề dạy học, mỗi chương, mỗi học kỳ, cuối năm học. Đồng thời các trường cần tổ chức dạy học bám sát chương trình giáo dục lớp 12 và ôn tập theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không được cắt xén chương trình. Cùng với đó, giáo viên cần tăng cường đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, áp dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, đổi mới nội dung, phương thức kiểm tra, đánh giá theo hướng kết hợp tự luận và trắc nghiệm khách quan. Từ đó giúp cho học sinh trang bị được kiến thức, kỹ năng một cách vững chắc; vận dụng kiến thức, kỹ năng một cách linh hoạt, sáng tạo. Đặc biệt, sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, dưới sự chỉ đạo của nhà trường, giáo viên thực hiện các biện pháp hiệu quả để tổ chức ôn tập cho học sinh phù hợp từng nhóm đối tượng theo năng lực học sinh, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để kỳ thi đạt kết quả cao nhất.
Mỹ Hạnh