P.V: Xin đồng chí cho biết những nội dung cơ bản của kỳ thi quốc gia năm 2015? Đ/c Vũ Văn Kiểm: Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà trường và các tầng lớp nhân dân về việc thực hiện các phương án tổ chức một kỳ thi chung quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường đại học, cao đẳng trong việc tuyển sinh. Phương án cuối cùng được thống nhất là tổ chức một kì thi THPT quốc gia để làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ thay vì tổ chức hai kì thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây.
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí. Đối với thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy học, được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được xem xét miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn còn lại phù hợp với phương án của các trường ĐH, CĐ để có thêm cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ; thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ cần đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức xây dựng đề thi với định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng đánh giá năng lực người học ở cả 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao; đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Cùng với việc nâng cao dần chất lượng giáo dục trong quá trình dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của người học, qua từng năm học, đề thi sẽ tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó.
Về tổ chức thi, sẽ bố trí coi thi, chấm thi theo các cụm thi, có 02 loại cụm thi:
- Cụm thi tập trung do trường ĐH có uy tín được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ chủ trì (tương tự như các cụm thi ĐH năm 2014 nhưng tăng thêm số lượng các cụm thi để tạo thuận lợi cho thí sinh) với sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT.
- Cụm thi tại các địa phương (không có cụm thi do trường đại học chủ trì). Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kì thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thống nhất với ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT: Kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có). Điểm thi của thí sinh dự thi tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ; thí sinh sẽ dự thi trước, đăng ký tuyển sinh vào ngành và trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi. Căn cứ kết quả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định ngưỡng điểm tối thiểu đối với tổ hợp các môn thi. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy chế. Các thí sinh dự thi tại các cụm địa phương vẫn có cơ hội để vào học ở các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh.
Như vậy, việc tách khâu thi và xét tuyển trong tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ tạo cơ hội cho thí sinh vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình.
P.V: Xin đồng chí cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, đối với các trường THPT, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh có những thuận lợi, khó khăn gì?
Đ/c Vũ Văn Kiểm: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là kỳ thi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đặc biệt là được cả xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị, giáo viên, học sinh và học viên được nâng lên một bước trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Với những quy định về kỳ thi chung quốc gia sẽ góp phần giảm áp lực cho học sinh, học viên về số kỳ thi, thời gian thi và giảm tốn kém cho xã hội. Thí sinh được đăng ký dự thi ít nhất 01 môn thi tự chọn trong 5 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Đến thời điểm hiện nay học sinh đã xác định được rõ các môn thi, tập trung nhiều thời gian hơn cho các môn học này.
Ngay từ đầu tháng 9, các nhà trường đã chủ động điều tra, phân loại học sinh để tổ chức vừa học vừa ôn tập, phụ đạo học sinh theo nguyện vọng của thí sinh đối với kỳ thi. Một vài trường ĐH thêm tổ hợp các môn thi dùng để xét tuyển ngoài các khối thi đã thực hiện như các năm trước nên đã tạo điều kiện để nhiều thí sinh lựa chọn được những ngành nghề phù hợp với năng lực của mình. Mức độ phân luồng học sinh sau THPT được rõ ràng và thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, do là kỳ thi có sự đổi mới, nên một số học sinh tâm lý không vững vàng. Thời gian triển khai khá gấp, hiện nay hệ thống văn bản còn rất ít, đặc biệt là chưa có Quy chế thi cũng gây băn khoăn cho cán bộ, giáo viên và học sinh như chế độ ưu tiên, cộng điểm khuyến khích, ngưỡng điểm xét tốt nghiệp... Học sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (thi tại các cụm địa phương) hiện nay chưa rõ thi ở đâu. Việc bố trí thời gian tổ chức bồi dưỡng kiến thức, ôn thi đối với các môn tự chọn của học sinh cũng gây khó khăn cho các nhà trường, đặc biệt là đối với môn thi có ít học sinh lựa chọn.
Việc các trường đại học chậm công bố đề án tuyển sinh gây lúng túng cho học sinh, phụ huynh. Học sinh, phụ huynh khá băn khoăn đối với những trường Đại học tổ chức 1 bài đánh giá năng lực vì chưa rõ nội dung, cách thức đánh giá thế nào. Công tác tư vấn, hướng nghiệp của lãnh đạo, giáo viên các nhà trường cho học sinh lớp 12 sẽ vất vả hơn vì phải thường xuyên cập nhật thông tin, tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Cán bộ, giáo viên tham gia làm thi có thể sẽ phải đi xa hơn.
P.V: Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã có sự chỉ đạo như thế nào để kỳ thi chung quốc gia đầu tiên được triển khai đạt kết quả cao?
Đ/c Vũ Văn Kiểm: Ngay sau khi Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 được ban hành, Sở đã tổ chức 2 lần hội nghị giao ban (tháng 9, 10) với nội dung trọng tâm là chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia 2015, trong đó tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích làm rõ những thuận lợi, khó khăn, những ảnh hưởng tìm ra những giải pháp quản lý, tổ chức thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và đáp ứng yêu cầu của kì thi THPT quốc gia 2015.
Để kỳ thi chung quốc gia đầu tiên đạt kết quả cao, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo các trường THPT, TTGDTX tùy điều kiện của từng đơn vị, có kế hoạch cụ thể và cách thức phù hợp để tuyên truyền và phổ biến rộng rãi, trực tiếp và kịp thời những nội dung mới của kì thi THPT quốc gia năm 2015 tới cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh lớp 12 để có sự chủ động trong lập kế hoạch dạy - học, ôn luyện và các hoạt động hỗ trợ dạy học. Các đơn vị tiếp tục cập nhật, nghiên cứu, triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo thi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất là Quy chế thi và Đề án tuyển sinh riêng của các trường đại học để giúp học sinh trong việc tổ chức ôn tập và tư vấn chọn môn thi tự chọn; Ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị tổ chức thi khảo sát chất lượng để phân loại học sinh nhằm tổ chức dạy học, ôn luyện sát đối tượng; Chỉ đạo các đơn vị tổ chức khảo sát sơ bộ số học sinh chọn môn thi tự chọn (theo từng môn); tổ chức khảo sát việc học sinh chọn cụm thi để xét tuyển đại học hoặc cụm thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT chung toàn tỉnh để có phương án trong định hướng giảng dạy, bồi dưỡng, ôn tập cho học sinh; Chỉ đạo các trường THPT có kế hoạch cụ thể và cách thức tổ chức tư vấn đầy đủ cho học sinh trong việc xác định môn thi tự chọn.
Một nội dung rất quan trọng là tổ chức tư vấn đầy đủ, kỹ lưỡng cho học sinh trong việc xác định môn thi tự chọn (trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí) bảo đảm phù hợp với năng lực của học sinh để tham gia kỳ thi đạt kết quả tốt nhất; Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, tích cực thực hiện đổi mới phương pháp, đổi mới kiểm tra đánh giá theo năng lực của học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy; Theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đề thi kì thi quốc gia THPT năm 2015, nhất là đề thi các môn khoa học xã hội và nhân văn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý được ra theo hướng mở để khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng.
Đồng thời huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của học sinh vào việc làm bài (chẳng hạn, trong đề thi Ngữ văn có kiến thức về Lịch sử, Địa lý, …); Chỉ đạo các trường THPT, nhất là các trường ngoài công lập, trường Dân tộc nội trú, các trường mới ngoài công lập mới chuyển sang loại hình công lập và các TTGDTX chú trọng ôn luyện 3 môn thi bắt buộc quan tâm nhiều đến dạy học, ôn luyện môn thi ngoại ngữ vì từ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015, môn ngoại ngữ cùng với môn Ngữ văn và Toán là 3 môn thi bắt buộc; Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì kiểm tra cuối học kì, tổ chức thi thử kì thi THPT Quốc gia 2015 chung toàn tỉnh.
Trong việc tổ chức kì thi thử, nhất là khâu ra đề sẽ bám sát theo định hướng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm khảo sát chất lượng học tập 8 môn thi làm cơ sở điều chỉnh kế hoạch, nội dung, phương pháp dạy - học và ôn tập; giúp học sinh tích lũy kinh nghiệm, làm quen với quy chế thi, rèn kỹ năng vận dụng kiến thức, kĩ năng trình bày, kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm; Đánh giá năng lực học sinh, trên cơ sở đó tạo động lực giúp học sinh phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập; kết quả thi giúp cho giáo viên có cơ sở khoa học để tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh lựa chọn môn thi, cụm thi cho phù hợp năng lực và nguyện vọng của mình.
Phan Hiếu (Thực hiện)