Chỉ còn chưa đến 1 tuần lễ nữa là diễn ra lễ khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2017. Về xã Trường Yên - nơi diễn ra lễ hội, chúng tôi cảm nhận được không khí lễ hội đang len lỏi đến từng con người, từng ngôi nhà, con đường, ngõ xóm. Hai bên đường trục vào Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, những con đường chính trên địa bàn xã được chăng treo các loại cờ nhiều màu sắc, các cụm pano, cờ dây chào mừng lễ hội truyền thống của người dân xã Trường Yên. Đâu đó vang lên tiếng trống dồn của hoạt động tế lễ, của màn tập trận đầy hào sảng. Những người con quê hương Trường Yên vinh dự được chọn vào các đội tế lễ ngoài cùng nhau tập luyện nhuần nhuyễn các bài tế lễ còn tranh thủ thời gian vệ sinh, trang trí, tu bổ lại những kiệu võng, kiệu hoa, kiệu bát cống chuẩn bị cho lễ Rước nước, lễ Mộc dục; nhiều gia đình người dân Trường Yên còn lau dọn bàn thờ tổ tiên để thắp nén hương thơm hòa cùng lễ hội truyền thống. Không khí chuẩn bị cho lễ hội Hoa Lư của người dân Trường Yên rất khẩn trương và vô cùng náo nức. Chị Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: Là nơi diễn ra Lễ hội Hoa Lư, nhiều năm qua, xã luôn đảm nhiệm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện tốt các công việc được giao. Năm nay, xã Trường Yên được giao thực hiện một số phần lễ trọng như: Lễ mở Cửa đền, lễ Rước nước, lễ Mộc dục, lễ Tiến phẩm, Tế lễ cổ truyền, Lễ tạ và một số hoạt động khác như thi chèo thuyền khéo, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm... Để thực hiện tốt nhiệm vụ được Ban Tổ chức giao, xã Trường Yên đã huy động hàng nghìn người dân tham gia vào các phần lễ và phần hội. Riêng lễ Rước nước, xã huy động gần 1 nghìn người, thuê 29 thuyền, yêu cầu các đoàn tế của các thôn, xóm, lực lượng học sinh tham gia cầm cờ, bóng bay, bố trí loa đài cho lễ thêm phần hứng khởi... Hiện các đội tế lễ, đội múa Rồng, đội khiêng kiệu đang tập luyện cho ngày khai hội. Bên cạnh đó, xã đã phối hợp với Công an huyện lên kế hoạch và đề ra phương án đảm bảo an ninh trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội; phân công các tổ chức, đoàn thể phụ trách các mảng công việc như đảm bảo vệ sinh nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường công cộng…, đảm bảo các hoạt động diễn ra tại lễ hội được triển khai thực hiện nghiêm túc theo sự phân công, để lại ấn tượng tốt đẹp về nếp sống văn minh đối với mỗi du khách khi có dịp về dự hội cũng như đến với Ninh Bình...
Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở Văn hóa và Thể thao đã tăng cường công tác tuyên truyền trực quan, trang trí khánh tiết và chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức các hoạt động tại lễ hội. Cụ thể như, phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trực quan tại một số tuyến đường chính, cổng đường vào Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư; phối hợp với Công ty cổ phần Truyền thông và dịch vụ Thăng Long thiết kế makét, trang trí lễ đài, ký kết thuê lắp ráp sân khấu, trang âm, ánh sáng phục vụ Chương trình Khai mạc lễ hội và các hoạt động văn hóa văn nghệ tại lễ hội… Các đơn vị trong ngành như Nhà hát chèo Ninh Bình, Trung tâm văn hóa, Bảo tàng tỉnh… đã triển khai các nhiệm vụ để thực hiện chương trình nghệ thuật phục vụ khai mạc lễ hội; xây dựng chương trình giao lưu văn nghệ quần chúng; triển khai các hoạt động triển lãm, trưng bày ảnh nghệ thuật về non nước Ninh Bình; trưng bày trên 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật về Kinh đô Hoa Lư… Cùng với đó ban hành kế hoạch tổ chức và điều lệ Giải Vật dân tộc, các hoạt động thể thao tại lễ hội.
Huyện Hoa Lư là cơ quan trực tiếp phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động của Lễ hội cũng đã phân công nhiệm vụ cho các đồng chí lãnh đạo huyện, các phòng ban chức năng của huyện tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của tỉnh. Đến cuối tháng 3-2017, huyện Hoa Lư đã chăng treo trên 6 nghìn cờ các loại, 55 cờ dây, sửa chữa 200m2 pano. Xây dựng kịch bản lễ Rước nước, chuẩn bị các điều kiện tổ chức lễ Mở cửa đền, lễ Mộc dục, lễ Tiến phẩm, tế lễ cổ truyền… Đồng thời chỉ đạo các đơn vị xây dựng chương trình, quy chế, thể lệ, chuẩn bị các điều kiện phục vụ lễ hội, đảm bảo các phương án về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường.. trước, trong và sau lễ hội.
Để Lễ hội Hoa Lư 2017 diễn ra trang trọng, tiết kiệm, thành công, đảm bảo đúng quy định về tổ chức lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Tổ chức Lễ hội Hoa Lư, ban hành Kế hoạch tổ chức lễ hội, chương trình lễ hội và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Tổ chức.
Trong Kế hoạch tổ chức lễ hội đã xác lập các nội dung về quy mô, thời gian, địa điểm tổ chức, xác lập cụ thể các nội dung hoạt động về tuyên truyền, về thực hiện phần lễ và các hoạt động trong phần hội; phân công nhiệm vụ cụ thể, xác lập rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương trong từng nội dung hoạt động tại lễ hội, đồng thời tham mưu Ban Tổ chức tiến hành các hội nghị, cuộc họp triển khai thực hiện. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức được phân công nhiệm vụ tại lễ hội đã xây dựng các phương án, kế hoạch, chương trình, nội dung chi tiết những phần việc được phân công và chỉ đạo triển khai thực hiện theo kế hoạch của Ban Tổ chức… Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, mọi công việc chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho một lễ hội truyền thống thành công, xứng tầm Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đảm bảo các hoạt động của lễ hội diễn ra trang trọng, thiết thực, hiệu quả, an toàn, mang đậm bản sắc dân tộc, đặc trưng của vùng đất Cố đô Hoa Lư, của quê hương Ninh Bình thân thiện và mến khách.
Mỹ Hạnh