Được biết, điểm thay đổi lớn nhất trong khâu tổ chức kỳ thi năm nay là về cụm thi. Theo quy định, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức chia thành 2 loại: Cụm thi đại học và cụm thi tốt nghiệp. Tỉnh Ninh Bình cũng đã thành lập 2 cụm thi, bao gồm: Cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) do Trường Đại học Mỏ - Địa chất chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Hoa Lư và Sở Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là cụm thi ĐH) và cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định (gọi tắt là cụm thi tốt nghiệp). Cụm thi ĐH đặt chủ yếu tại Trường Đại học Hoa Lư và một số trường THPT, THCS trên địa bàn thành phố Ninh Bình với khoảng cách xa nhất so với Trường ĐH Hoa Lư là 7 km; cụm thi tốt nghiệp do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì và có các điểm thi đặt tại các huyện, thành phố như năm 2015. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ được tổ chức trong 4 ngày (từ 1 đến 4-7-2016). Đối với môn thi vẫn giữ ổn định như năm 2015, gồm 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Trong đó, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Đối với thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn.
Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ cần đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Về đề thi, cơ bản như năm 2015, theo hướng đánh giá năng lực học sinh, chủ yếu trong chương trình lớp 12; đồng thời tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, bảo đảm độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT thực hiện theo hình thức kết hợp sử dụng kết quả điểm bài thi của 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Để công tác chuẩn bị cho kỳ thi đảm bảo an toàn và thuận tiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường THPT tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh nắm bắt chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 của Bộ. Chỉ đạo các trường học khảo sát số học sinh tham gia dự thi trong năm 2016; khảo sát tổng số phòng học có đủ điều kiện để làm phòng thi ở từng cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường thuộc địa bàn thành phố Ninh Bình; khảo sát chỗ ở của các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo có ký túc xá; xây dựng và báo cáo phương án tổ chức kỳ thi cho UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo; phối hợp với các sở, ngành có liên quan cử người tham gia vào Ban chỉ đạo kỳ thi cấp tỉnh; lên kế hoạch phối hợp với các trường ĐH, CĐ được Bộ phân công tổ chức cụm thi tại tỉnh để tổ chức tốt kỳ thi; cử người tham gia tập huấn công tác thi, hoàn thành các báo cáo, phụ lục theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo…
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, kết quả khảo sát số lượng học sinh đến ngày 4-5-2016, tổng số thí sinh trong toàn tỉnh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 là 9.383 thí sinh; trong đó, thí sinh dự thi cụm thi tốt nghiệp là 3.550 thí sinh (đang học lớp 12 là 3.414 thí sinh, là 136 thí sinh tự do) và thí sinh dự cụm thi đại học là 5.833 thí sinh (trong đó, thí sinh đang học lớp 12 là 5.059 thí sinh, 774 thí sinh tự do). Trong tổng số thí sinh đang học lớp 12 là 8.473 thí sinh thì có 7.526 thí sinh hệ THPT và 947 thí sinh hệ GDTX. Để tổ chức cho trên 9 nghìn thí sinh dự thi ở 2 cụm thi, Sở Giáo dục và Đào tạo và các Trường Đại học đã khảo sát và dự kiến có 236 phòng thi ở 10 địa điểm thi đối với cụm thi xét tuyển ĐH, CĐ và 162 phòng thi ở 8 điểm thi ở tất cả các huyện, thành phố đối với cụm thi xét tốt nghiệp THPT.
Để chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo các đơn vị, các nhà trường thực hiện đúng kế hoạch thời gian năm học; làm tốt việc phân hóa trình độ của học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp với năng lực của các em; lựa chọn những giáo viên tốt nhất để dạy lớp 12 và ôn tập cho học sinh thuộc 8 môn thi THPT quốc gia; thường xuyên kiểm tra đánh giá học sinh lớp 12 theo hướng đề mở, đề liên môn, đề vận dụng với 4 cấp độ. Cùng với việc tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học, kiểm tra việc dạy ôn tập cho học sinh lớp 12 tại các trường THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 đối với các môn thi THPT quốc gia nhằm đánh giá đúng thực tế trình độ của học sinh. Đặc biệt, Sở phối hợp chặt chẽ với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định trong việc tổ chức cụm thi tốt nghiệp tại tỉnh Ninh Bình; phối hợp với Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Hoa Lư trong việc chỉ đạo, tổ chức kỳ thi tại cụm thi ĐH tỉnh Ninh Bình…
Cùng với đó, để phục vụ tốt nhất cho những ngày diễn ra kỳ thi, các sở, ngành, đơn vị liên quan cũng đã có những kế hoạch hỗ trợ cho kỳ thi. Theo đó, Công an tỉnh phối hợp, chỉ đạo công an các huyện, thành phố đảm bảo an ninh trật tự, an toàn đề thi, bài thi trong những ngày diễn ra kỳ thi, có các phương án xử lý với các hành vi gây rối, "ăn theo" trong mùa thi.
Ngành Điện lực có kế hoạch duy tu, sửa chữa hệ thống điện đảm bảo đủ điện phục vụ kỳ thi, đặc biệt là khu vực in sao đề thi, có phương án dự phòng với những sự cố bất thường.
Ngành Giao thông-Vận tải xem xét, đôn đốc kiểm tra các tuyến đường đang thi công nhằm nhanh chóng hoàn thành công trình trước ngày thi hoặc tạm hoãn thi công trong những ngày thi để tránh tình trạng ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến việc di chuyển trong những ngày thi của học sinh, phụ huynh và cán bộ phục vụ thi. Sở Tài chính cấp phát kịp thời, đầy đủ kinh phí, đảm bảo chế độ, chính sách phục vụ công tác thi.
Sở Y tế tăng cường kiểm tra VSATTP tại các quán ăn, nhà hàng gần điểm thi, triển khai các chốt cấp cứu, cung cấp đầy đủ cơ số thuốc cần thiết tại các khu vực thi. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo ngành bưu chính, viễn thông xây dựng phương án đảm bảo thông suốt về thông tin liên lạc giữa các cơ quan chỉ đạo thi tới các địa phương và địa điểm ra đề, in sao đề thi, coi thi, chấm thi có kế hoạch đảm bảo thông tin, liên lạc thông suốt, nhất là trong những ngày diễn ra kỳ thi…
Ban chỉ đạo kỳ thi cấp tỉnh cũng yêu cầu mỗi thành viên, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, chức trách của mình thực hiện các nhiệm vụ được giao nghiêm túc, hiệu quả cao, phấn đấu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, chất lượng và an toàn.
Mỹ Hạnh