Năm học 2017-2018, Trường THPT Kim Sơn B (huyện Kim Sơn) có 10 lớp với 346 học sinh khối lớp 12. Theo thầy giáo Vũ Xuân Sinh, Hiệu trưởng nhà trường, để giúp các em sẵn sàng bước vào Kỳ thi THPT quốc gia, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch ôn tập cho học sinh theo chương trình chuẩn kiến thức kỹ năng và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo. Phân công những giáo viên có trình độ chuyên môn, nhiều kinh nghiệm đảm nhiệm việc giảng dạy và ôn luyện cho học sinh. Sang học kỳ II, chỉ đạo các tổ chuyên môn và giáo viên giảng dạy lớp 12 xây dựng cụ thể chương trình ôn tập đối với từng môn học, từng lớp và từng đối tượng học sinh. Cùng với đó tổ chức nhiều đợt thi khảo sát, kiểm tra chất lượng theo đề của Sở Giáo dục và Đào tạo và đề của nhà trường, từ đó nắm bắt thực tế tình hình học tập của học sinh, kịp thời có những điều chỉnh, bổ sung ôn tập cho phù hợp, hiệu quả… Qua các lần thi khảo sát chất lượng cho thấy, tỷ lệ học sinh đạt điểm khá, giỏi chiếm 60%; nhà trường phấn đấu năm nay tiếp tục có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%.
Đối với trường THPT Hoa Lư A (huyện Hoa Lư), hiện đang bắt đầu chương trình ôn thi THPT quốc gia 2018 giai đoạn cuối kéo dài 5 tuần, buổi sáng nhà trường sẽ tổ chức 2 ca ôn tập cho học sinh; buổi chiều, nhà trường tổ chức cho giáo viên dạy bồi dưỡng cho học sinh khá và phụ đạo cho học sinh yếu. Thầy giáo Nguyễn Mạnh Tú, giáo viên bộ môn Vật lý cho biết: Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia phạm vi kiến thức rộng hơn, bao gồm cả kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 25-30%. Do vậy, mỗi giáo viên giảng dạy bộ môn phải thường xuyên chủ động trong quá trình giảng dạy, quan tâm, động viên, giúp đỡ các em học sinh còn yếu và thiếu kiến thức; xây dựng đề cương ôn tập cho học sinh và dành nhiều thời gian rèn kỹ năng làm bài thi, bởi hầu hết các môn thi được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm… Đặc biệt, sau mỗi giai đoạn ôn tập, các bộ môn đều được tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng để có phương pháp tiếp tục ôn luyện cho học sinh nhằm đạt kết quả cao nhất.
Theo thầy giáo Hoàng Hải Nam, Hiệu trưởng trường THPT Hoa Lư A, năm học này nhà trường có 371 học sinh ở 10 lớp 12. Hiện nhà trường đang thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch và hướng dẫn của ngành Giáo dục về quy chế và phương án thi. Nhà trường đã tổ chức cho học sinh đăng ký dự thi tổ hợp xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ, trong đó thí sinh đăng ký tổ hợp KHTN chiếm trên 70%, còn lại là tổ hợp KHXH. Hiện chỉ còn hơn 1 tháng nữa là diễn ra kỳ thi, cùng với việc chỉ đạo các nhóm chuyên môn tập trung cao độ cho công tác ôn tập, rèn kỹ năng làm bài cho học sinh. Là 1 trong 24 điểm thi của Cụm thi tại Ninh Bình, nhà trường cũng chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ… góp phần đảm bảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra tại Ninh Bình được thực hiện an toàn, nghiêm túc và đạt kết quả cao.
Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 25-27/6, với phương thức thi được giữ nguyên như kỳ thi THPT quốc gia 2017. Các thí sinh sẽ tham dự kỳ thi với 3 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp tự chọn gồm: Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân). Đối với 2 bài thi tổ hợp, các thí sinh có thể chọn một trong 2 hoặc đăng ký dự thi cả 2 bài thi. Tuy nhiên, thí sinh chỉ nên chọn 1 bài để tập trung ôn thi đảm bảo hiệu quả nhất.
Năm nay cũng giống như kỳ thi năm 2017, ngoại trừ môn Ngữ văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, với mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ công bố một đề thi minh họa, được xây dựng phù hợp với hình thức thi theo bài đã công bố trong phương án thi năm 2018, nhằm đánh giá đúng năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức và các câu hỏi mở, giảm học thuộc lòng và ghi nhớ máy móc; đồng thời các câu hỏi cũng tăng dần độ khó để phân hóa rõ năng lực, trình độ thí sinh, làm cơ sở xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2018.
Theo đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi sẽ có 2 phần: Một phần thuộc khối kiến thức cơ bản, chiếm hơn 50%, phần còn lại là kiến thức nâng cao để phân hóa thí sinh. Đề thi được dự đoán rộng, có cả kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 20-25% và kiến thức lớp 12 dàn trải ở cả học kỳ 1 và học kỳ 2 với mức độ vừa phải và đơn giản, học sinh chỉ cần nắm bắt kiến thức cơ bản là có thể đạt điểm trung bình và khá; còn lại 30-40% là các câu hỏi khó dần, mang tính phân hóa cao. Qua nghiên cứu bộ đề thi tham khảo cho thấy, với sự thay đổi có tính căn bản nhằm hướng tới đổi mới cách dạy, cách học, công tác kiểm tra, đánh giá ở bậc học THPT hiện nay theo mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Với nội dung, cấu trúc đề thi như vậy cũng đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải tích cực, chủ động thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm, từ đó mới đạt được kết quả cao trong các kỳ thi.
Cũng theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện các công việc chuẩn bị cho kỳ thi đang được ngành Giáo dục-Đào tạo và các thành viên Ban chỉ đạo các kỳ thi tỉnh Ninh Bình, các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai theo sự phân công, có sự phối kết hợp để triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả. Theo đó, BCĐ các kỳ thi tỉnh đã tổ chức họp BCĐ, nắm bắt tình hình, chỉ đạo các thành viên trong BCĐ, các đơn vị, địa phương tập trung cho công tác tuyên truyền, chuẩn bị cơ sở vật chất, ôn tập cho học sinh. Cùng với đó xây dựng các phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi cũng như công tác chăm sóc sức khỏe, vấn đề an toàn thực phẩm, phương tiện đi lại…, phấn đấu kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra tại cụm thi Ninh Bình do Sở giáo dục-đào tạo tỉnh chủ trì, phối hợp với các trường Đại học Lao động-xã hội, Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định, Đại học Hoa Lư sẽ diễn ra nghiêm túc, thành công, tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2018.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh