Cách đây 2 năm, khi bắt tay vào thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã gặp không ít khó khăn, đó là: Địa hình tự nhiên của xã trải dài nhưng lại hẹp nên diện tích canh tác manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi đó cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chưa cân đối, tỷ trọng ngành chăn nuôi còn thấp, dịch vụ phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại; nhiều con nuôi, cây trồng năng suất chưa cao.
Do địa hình trải dài, hẹp nên dân cư phân bố rải rác, nhiều xóm cách xa khu trung tâm, công tác thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, nhất là rác thải trong trồng trọt, chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp phần lớn vẫn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, năng lực cạnh tranh và khả năng hợp tác mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của HTX nông nghiệp còn yếu...
Trước thực tế trên, với quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, Huyện ủy về tái cơ cấu nền kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xóm rà soát, đánh giá, phân tích những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xác định những khó khăn, hạn chế... để xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Khắc phục tình trạng manh mún trong sản xuất, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa để xây dựng những vùng chuyên canh có quy mô sản xuất lớn, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Quá trình thực hiện, Thượng Kiệm chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân nắm rõ, hiểu đúng chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để từ đó tích cực tham gia, ủng hộ.
Nhân dân đã ủng hộ, hiến 84.000m2 đất, hàng nghìn ngày công và đóng góp 1,8 tỷ đồng để đào đắp kênh mương, làm bờ vùng, bờ thửa, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, sản xuất.
Năm 2014, Thượng Kiệm hoàn thành dồn điền, đổi thửa, giảm từ 4 - 5 thửa/hộ xuống chỉ còn 1,2 thửa/hộ. Thành công trong công tác dồn điền, đổi thửa đã tạo cơ sở để xã quy hoạnh, xây dựng những vùng chuyên canh quy mô lớn, đồng thời là điều kiện để có thể thực hiện cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Nhằm khắc phục những hạn chế trong tiếp thu, ứng dụng tiến bộ KHKT, Thượng Kiệm chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến KHKT cho bà con nhân dân trong xã không chỉ thông qua các hội nghị của Đảng bộ, của các ban, ngành, đoàn thể, các khu dân cư, trên hệ thống đài truyền thanh mà còn thường xuyên tổ chức hàng chục hội nghị chuyển giao KHKT giữa các chuyên gia, kỹ thuật tới đông đảo quần chúng nhân dân.
Do vậy, trình độ canh tác của nông dân đã có sự phát triển nhanh; cơ cấu cây trồng dịch chuyển đúng định hướng. Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã còn chỉ đạo HTX nông nghiệp nắm bắt tình hình, định hướng phát triển sản xuất của các hộ xã viên, đảm bảo phát triển đúng theo cơ cấu, kế hoạch.
Cùng với đó, HTX làm tốt dịch vụ cung ứng đủ các loại vật tư với chất lượng đảm bảo, có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi có thiên tai, dịch bệnh. Chỉ đạo cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y làm tốt công tác dự thính, dự báo phòng trừ phát hiện, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lớn xảy ra, đảm bảo năng suất sản lượng cây trồng, con nuôi.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay Thượng Kiệm đã đạt nhiều kết quả toàn diện trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất. Toàn xã hiện có 360 ha đất trồng lúa, 10 ha rau màu, 35 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt trên 10% diện tích canh tác.
Đặc biệt, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều trang trại chuyên canh có quy mô từ 1-3ha, trên 30 gia trại chăn nuôi quy mô từ 5-10 con trâu, bò; hàng trăm con lợn và hàng nghìn con gia cầm, thủy cầm. Chất lượng nông sản ngày càng được cải thiện, nhiều nông sản đã xây dựng được thương hiệu, có giá trị kinh tế cao như dưa lê, bưởi, đinh lăng, rau màu, cá lóc bông, vịt trời, ếch...
Năm 2017, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt trên 118 triệu đồng/ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có giá trị sản xuất cao gần gấp 2 lần giá trị sản xuất bình quân toàn xã, điển hình như: mô hình rau chất lượng cao, đạt 200- 240 triệu đồng/ha/năm của gia đình ông Lưu Văn Thịnh (xóm 8); cánh đồng dược liệu và sản xuất rau an toàn trong nhà lưới 300 triệu đồng/ha của anh Trần Việt Phú; mô hình chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, kết hợp nuôi trồng thủy sản của anh Đỗ Ngọc Tỉnh, Đỗ Văn Nam, Lưu Văn Minh, ông Lưu Văn Xuyên (xóm 8).
Ngoài ra, nhiều mô hình gia trại đạt 200-300 triệu đồng/năm như mô hình nuôi cá lóc bông của anh Bùi Đức Quỳnh, mô hình nuôi ếch sinh sản và ếch thương phẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Bình (xóm 9), gia trại chăn nuôi gia cầm của gia đình ông Lưu Văn Sinh (xóm 8), ông Bùi Xuân Điền (xóm 6), gia trại chăn nuôi trâu bò của ông Đinh Văn Phúc (xóm 8), gia trại chăn nuôi lợn của ông Trần Văn Quynh (xóm 7)...
Thành công bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là tiền đề quan trọng để Thượng Kiệm tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp nói riêng trong thời gian tới.
Mai Lan