Cũng góp mặt trong khu đồng này 1 mẫu ruộng, ông Bùi Đức Thuận chia sẻ: Đầu ra của sản phẩm đã có doanh nghiệp bao tiêu, nhưng là sản xuất lúa giống nên chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, kỹ thuật từ khâu đầu đến khâu cuối. Dự kiến có thể phải tuần cuối tháng 10 mới thu hoạch được sản phẩm.
Trao đổi với ông Vũ Ngọc Thức, Giám đốc HTX nông nghiệp Thượng Kiệm được biết: Vụ mùa năm 2016, HTX gieo cấy 357,5 ha lúa mùa với cơ cấu giống 10% là giống lúa cao sản (lúa lai), 90% là các giống lúa thuần (Bắc thơm số 7, DQ11, TBR25...).
Điểm đáng chú ý trong vụ mùa năm nay là tình hình thời tiết khí hậu đầu vụ không thuận lợi (mưa, úng). Sâu bệnh phát sinh, phát triển mạnh, nhất là sâu cuốn lá nhỏ và bệnh bạc lá; một số ruộng cấy giống Bắc thơm bị bệnh bạc lá gây hại, năng suất có giảm, nhưng nhìn chung toàn HTX vẫn được mùa.
Vụ mùa năm nay, HTX ký hợp đồng với Công ty TNHH VTNN Hồng Quang sản xuất lúa giống DQ11 cho doanh nghiệp, quy mô 40 ha. Mô hình liên kết sản xuất lúa giống được bố trí tại khu đồng của xóm 7 và xóm 8 với 197 hộ tham gia.
Trước khi bước vào thực hiện, doanh nghiệp đã phối hợp cùng HTX tổ chức họp dân, thống nhất chủ trương, kế hoạch; mục đích, yêu cầu; quyền lợi, trách nhiệm; quy trình, kỹ thuật sản xuất... và nhận được sự hưởng ứng tích cực của gia đình tham gia. Dự kiến tuần cuối tháng 10-2016 sẽ bước vào thu hoạch với năng suất bình quân ước đạt từ 180-220 kg/sào.
Đồng chí Giám đốc HTX cũng cho biết thêm: Thượng Kiệm là một trong 3 xã được huyện Kim Sơn chọn làm điểm thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng ngay từ vụ đông xuân 2013-2014.
Để tạo đồng thuận trong dân, xã đã xây dựng kế hoạch và phương án thực hiện dồn điền, đổi thửa, đồng thời tổ chức hội nghị với sự tham gia của cán bộ, đảng viên từ thôn, xóm trở lên, các ngành, các đoàn thể tham gia đóng góp ý kiến, bổ sung vào kế hoạch, phương án dồn điền, đổi thửa của xã.
Cùng với đó, xã còn khuyến khích các hộ chuyển đổi ruộng cho nhau, phấn đấu bình quân toàn xã còn 1,5 thửa/hộ, ưu tiên vị trí thuận lợi cho những hộ gia đình chính sách. Trong quá trình thực hiện đều đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, có sự bàn bạc, thống nhất.
Do vậy, hầu hết các hộ đều nhất trí cao với phương án, kế hoạch dồn điền, đổi thửa của xã. Việc hoàn thành đồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang lại đồng ruộng không chỉ tạo ra cảnh quan mới cho vùng quê; bố trí lại hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương hợp lý và thuận lợi hơn mà còn tạo điều kiện để người dân chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp, cũng như đưa máy móc vào các khâu trong sản xuất. HTX luôn đảm nhận và làm tốt các khâu dịch vụ cho các hộ thành viên: cung ứng vật tư nông nghiệp, thủy lợi, bảo vệ thực vật, bảo vệ nội đồng, làm đất...
Ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH VTNN Hồng Quang cho rằng: Tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa giống này, các hộ gia đình được tập huấn, hướng dẫn về quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, ngâm ủ mạ, cấy lúa đến chăm sóc, bón phân, khử tạp và thu hoạch... phải thống nhất như nhau.
Doanh nghiệp cho ứng trước về giống, phân bón, thuốc BVTV; HTX lo tổ chức thực hiện sản xuất, các hoạt động dịch vụ và được hưởng % theo sản phẩm. Sản phẩm phải đảm bảo chất lượng để làm giống cho các vụ sản xuất tiếp theo và được Công ty thu mua với giá cao hơn giá lúa Bắc thơm số 7 ngoài thị trường là 1.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Phùng Văn Quang, với diện tích sản xuất của HTX nông nghiệp Thượng Kiệm, nhiều hộ, gia đình lại chỉ còn 1 mảnh ruộng... dự kiến sản lượng lúa giống DQ11 thu được từ mô hình khoảng 120 tấn.
Việc tìm kiếm đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, cũng như liên kết tổ chức thực hiện các mô hình sản xuất không chỉ phát huy được tính năng động, sáng tạo, tự chủ của Ban giám đốc HTX nông nghiệp Thượng Kiệm mà còn giúp các hộ thành viên sản xuất có năng suất, chất lượng và hiệu quả hơn.
Đinh Chúc