Hoạt động tiếp công dân trở thành một "kênh thông tin" quan trọng giúp Thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến, kiến nghị của nhân dân, trên cơ sở đó HĐND xem xét, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả lời công dân. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, đồng thời thể hiện rõ vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, thực sự là "cầu nối" giữa Đảng với dân. Để thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, hàng tháng, Thường trực HĐND tỉnh tham gia tiếp công dân định kỳ tại trụ sở tiếp công dân tỉnh mỗi tháng một lần vào ngày thứ tư của tuần thứ ba. Từ đầu nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XIII đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 48 buổi tiếp công dân với 618 lượt công dân của 90 vụ việc kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Riêng năm 2014, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp công dân 9 buổi, tiếp nhận 528 đơn thư, trong đó xem xét và chuyển 49 đơn đến các cơ quan có liên quan giải quyết, trả lời theo thẩm quyền. Hiện nay đã có 32 đơn được các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết. Các đơn thư còn lại đang được đôn đốc, giải quyết.
Thực tế cho thấy, có tới trên 80% số đơn thư được gửi đến HĐND tỉnh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, nhất là giải phóng mặt bằng, tái định cư... Đây là những vấn đề liên quan đến lợi ích trực tiếp của người dân. Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu việc tiếp nhận và xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri phải linh hoạt với nhiều hình thức phong phú, tránh khuôn mẫu, áp đặt; cán bộ tiếp dân phải là những người có bản lĩnh, trung thực, có tinh thần trách nhiệm cao; việc chuyển đơn phải nhanh chóng, kịp thời. Đối với những vụ việc phức tạp kéo dài nhiều năm hoặc có những vụ việc liên quan do lịch sử để lại cần có đủ thời gian nghiên cứu, xác minh, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền.
Qua công tác tiếp công dân, đại biểu HĐND không chỉ lắng nghe công dân trình bày ý kiến, kiến nghị mà còn tuyên truyền, giải thích cho người có đơn thư khiếu nại về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri và giữa chính quyền với nhân dân, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đại biểu HĐND. Cũng thông qua việc tiếp công dân, nhiều nội dung được Thường trực HĐND hoặc đại biểu HĐND đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp để thảo luận và xem xét giải quyết.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân xét thấy chưa thỏa đáng, còn bức xúc nảy sinh, Thường trực HĐND tỉnh giao cho Ban Pháp chế HĐND tỉnh thành lập đoàn giám sát theo chuyên đề, tập trung ở địa phương, cơ quan, đơn vị phát sinh vấn đề bức xúc về khiếu nại tố cáo, nhất là những nơi, những lĩnh vực nổi cộm về đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách xã hội… Từ đó kịp thời kiến nghị các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Công tác tiếp công dân và giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại của công dân được đẩy mạnh đã hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để phát triển. Đặc biệt, thông qua hoạt động tiếp công dân đã được cử tri đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao về tinh thần, thái độ và trách nhiệm của người đại biểu, nơi gửi gắm niềm tin của cử tri tỉnh nhà.
Mai Lan