Mục tiêu của Đề án là tổ chức cấp cứu TNGT trên mạng đường bộ cao tốc đi qua tỉnh để cấp cứu và vận chuyển nạn nhân nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất một cách an toàn, hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ tử vong và di chứng cho nạn nhân bị TNGT. Các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2013-2015 là: Xây dựng và triển khai hoạt động có hiệu quả hệ thống cấp cứu 115, có đủ điều kiện về nhân lực và trang thiết bị theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn và các bệnh viện nơi có đường bộ cao tốc đi qua có năng lực sơ cứu, cấp cứu TNGT. Nâng cấp 50% các trạm y tế hiện có trên mạng đường bộ cao tốc; 50% cán bộ của lực lượng cảnh sát giao thông, tuần tra viên được đào tạo kỹ năng cấp cứu cơ bản TNGT. Phấn đấu 50% lái xe đã được cấp giấy phép lái xe được đào tạo kỹ năng cấp cứu cơ bản TNGT; 20% cán bộ Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện viên được đào tạo kỹ năng cấp cứu cơ bản TNGT; 100% lái xe được cấp mới giấy phép lái xe từ năm 2015 phải có chứng chỉ về đào tạo kỹ năng sơ, cấp cứu TNGT. Giai đoạn 2016-2020 bảo đảm trên tuyến đường bộ cao tốc đi qua địa phận tỉnh có 1 trạm cấp cứu TNGT đủ điều kiện về nhân lực và trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế; 100% cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, tuần tra viên, 30% lái xe, 50% cán bộ Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện viên được đào tạo kỹ năng cấp cứu cơ bản TNGT.
Nhằm thực hiện tốt kế hoạch đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì và là đầu mối phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các kế hoạch, dự án để triển khai thực hiện; trong đó tập trung vào nội dung liên quan đến quy hoạch phát triển mạng lưới cấp cứu 115 và đào tạo thí điểm lực lượng kỹ thuật viên cấp cứu chấn thương trước để cung cấp nhân lực cho hệ thống cấp cứu. Tổ chức triển khai các quy định chức năng cấp cứu, vận chuyển cấp cứu ngoài bệnh viện cho các đơn vị khám, chữa bệnh. Lập kế hoạch trang bị va li cấp cứu cho tất cả các xe tuần tra của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và các phương tiện cấp cứu cho các cơ sở y tế có mạng lưới đường cao tốc đi qua. Tổ chức đào tạo sơ, cấp cứu TNGT cho cán bộ y tế, cán bộ cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, tuần tra viên, lái xe, nhân viên Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện viên. Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với đơn vị quản lý đường cao tốc đưa nội dung xây dựng các trạm cấp cứu TNGT đường bộ theo quy định của Đề án; hướng dẫn các chủ xe khách thực hiện nghiêm quy định bắt buộc tất cả các xe khách khi tham gia giao thông phải có va li cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp phép giấy phép lái xe thuộc thẩm quyền quản lý phối hợp với các cơ sở y tế có chức năng đào tạo về sơ cứu, cấp cứu TNGT trong chương trình đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe theo đúng nội dung, chương trình của Bộ Y tế quy định.
Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Y tế trong việc đào tạo sơ, cấp cứu cho lực lượng Cảnh sát giao thông và đào tạo nâng cao năng lực đáp ứng cấp cứu TNGT cho cán bộ của các cơ sở Y tế, ngành Công an. Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tham gia sơ, cấp cứu khi có TNGT xảy ra và kiểm tra, giám sát việc trang bị va li cấp cứu cho các xe khách khi tham gia giao thông. Bộ CHQS tỉnh có kế hoạch sẵn sàng huy động lực lượng phối hợp cùng Sở Y tế, các địa phương, ban, ngành liên quan để giải quyết những vụ TNGT nghiêm trọng, tham gia sơ cứu ban đầu phục vụ cho tiếp nhận cấp cứu, điều trị nạn nhân bị TNGT. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo việc xây dựng hệ thống thông tin, liên lạc giữa trạm cấp cứu trên tuyến đường bộ cao tốc với hệ thống cấp cứu 115 và các cơ sở khám, chữa bệnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí thường xuyên để thực hiện Đề án, theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước.
Mạnh Dũng