Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội chung tay góp sức xây dựng môi trường đường thủy an toàn cho trẻ em sinh sống trên đường thủy, ven các tuyến đường thủy và tham gia giao thông bằng phương tiện thủy. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của các ngành, các cấp và toàn dân tham gia phòng, chống đuối nước cho trẻ em; đồng thời gắn kết chặt chẽ với thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" do ủy ban ATGT Quốc gia phát động. Chương trình được thực hiện trong 3 năm, từ năm 2013 đến năm 2015, với các nội dung: điều tra, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình trẻ em sinh sống ven các tuyến đường thủy, trẻ em tham gia giao thông đường thủy nhằm xác định yêu cầu công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy với phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch, chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy và phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Xây dựng môi trường sông nước an toàn với trẻ em. Thực hiện đồng bộ các hoạt động quản lý Nhà nước về bảo đảm TTATGT đường thủy gắn với phong trào phòng, chống đuối nước cho trẻ em và cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước".
Để thực hiện tốt chương trình "Vì an toàn trẻ em trên sông nước", Ban An toàn giao thông chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh, các đơn vị có liên quan trong năm 2013 thực hiện công tác điều tra cơ bản, đánh giá đúng thực trạng tình hình trẻ em tham gia giao thông và sống trên ven các tuyến đường thủy. Tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT đường thủy, tập trung vào các hành vi, vi phạm có nguy cơ dẫn đến TNGT đường thủy. Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tai nạn liên quan đến trẻ em khi tham gia giao thông thủy và sống trên ven các tuyến giao thông đường thủy. Phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã tổ chức ký cam kết với chủ bến, phương tiện, gia đình, nhà trường và học sinh thực hiện bảo đảm TTATGT đường thủy với phòng, chống đuối nước trẻ em.
Sở Giao thông- Vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động của các bến ngang sông, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người điều khiển phương tiện, chủ các bến ngang sông thực hiện các giải pháp an toàn về giao thông đường thủy. Thực hiện việc đào tạo, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa. Thực hiện tốt việc trang bị và sử dụng áo phao, phao cứu sinh, vật liệu nổi cá nhân trên các phương tiện vận tải hành khách ngang sông.
Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tài liệu, bài giảng với từng cấp học về đảm bảo ATGT đường thủy nội địa và phòng, tránh tai nạn đuối nước trẻ em theo hướng dẫn của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển và nhân rộng phong trào phổ cập bơi, cách xử lý tình huống bất ngờ xảy ra trên đường thủy cho học sinh các trường tiểu học…
Tỉnh đoàn chỉ đạo nhân rộng mô hình "Bến đò ngang an toàn" do đoàn viên thanh niên phụ trách. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên tuyên truyền cho đoàn viên, thanh, thiếu nhi về công tác phòng, chống đuối nước.
Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ tỉnh chủ trì phối hợp với các ban, ngành, địa phương mở các lớp thí điểm tập huấn, hướng dẫn về sơ, cấp cứu trẻ em bị đuối nước.
MTTQ tỉnh và các cơ quan thành viên thực hiện tốt nội dung, chương trình hành động "Vì an toàn trẻ em trên sông nước".
Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Triển khai xây dựng và duy trì mô hình điểm "Cụm dân cư an toàn cho trẻ em" và "Mô hình tự quản đảm bảo TTATGT đường thủy với phòng, chống đuối nước trẻ em".
Tổ chức ký cam kết với chủ bến, chủ phương tiện, gia đình, nhà trường và học sinh thực hiện bảo đảm TTATGT đường thủy với phòng, chống đuối nước trẻ em.
Trần Dũng