Năm học 2013-2014 có con vào lớp 1, chị Nguyễn Thu Hà (Tp.Ninh Bình), phụ huynh học sinh em Đinh Trường Sơn có phần lo lắng, bởi vì thời điểm con chuẩn bị vào lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quy định nghiêm cấm việc cho trẻ học trước chương trình, làm cho chị Hà càng lo thêm vì bé Sơn vốn quen tự do, hiếu động. Nhưng sau hơn 2 tháng học tập tại trường, chị Hà vui mừng cho biết, dù không nhìn những điểm số của cô giáo chấm nhưng chị vẫn nhận được những lời nhận xét khích lệ đối với con. Cẩn thận hơn, chị thường xuyên trao đổi qua điện thoại và gặp gỡ trực tiếp với cô giáo khi có điều kiện và được biết, cháu học tập chăm chỉ, ngoan ngoãn, ăn và ngủ đúng giờ giấc... Lúc này chị Hà mới cảm thấy phần nào yên tâm và nhận thấy: "Quy định mới không chấm điểm học sinh lớp 1 là đúng. Khi không có điểm số thì sẽ không có sự so sánh, sẽ không có những bé mặc cảm, tự ti và cũng sẽ không đẩy những học sinh có điểm cao trở nên chủ quan, lơ là, thiếu chăm chỉ…".
Theo chị Hà cũng như nhiều phụ huynh khác, điều quan trọng nhất khi cho con vào lớp 1 là tạo được tâm lý thích học, thích đến trường, vì vậy, khi biết có quy định mới này, chị Lương Thị Thanh, một phụ huynh có con học lớp 5 tuổi, Trường mầm non Nam Bình (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: "Điều này sẽ giúp giảm đáng kể cảnh trẻ chưa hết tuổi mẫu giáo phải gò lưng đi học thêm để đạt được những điểm 9, 10 ngay khi vào lớp 1. Tôi thấy rất yên tâm khi không phải "ép" con học trước chương trình lớp 1. Hơn nữa, việc không chấm điểm, học sinh sẽ không phải gò mình theo chương trình đào tạo cứng nhắc, có cơ hội rèn luyện, phát triển các mặt tự nhiên, xã hội hơn. Ngoài ra, điều này cũng sẽ giảm được áp lực từ phía cô giáo - các cô luôn phải cố gắng để lớp có thành tích tốt, đứng đầu và cha mẹ học sinh cũng không phải lo lắng khi con được những điểm số không như mong muốn…
Cô giáo Trần Thị Thanh Tâm, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Ninh Bình cho biết: "Thật ra, học sinh lớp 1 thường đọc chưa sõi, cũng chưa hiểu hết những lời nhận xét, trong khi các em thường để sách vở ở trường, cuối tuần mới mang về nhà. Vì vậy, triển khai thực hiện quy định mới này, chúng tôi đang tìm hình thức, hình ảnh đánh giá nào cho phù hợp với trẻ, những chỗ chưa đạt thì sửa bằng bút đỏ để trẻ biết. Còn nhận xét chi tiết thì có thể trao đổi với phụ huynh. Bởi nếu nhận xét mà chỉ làm qua loa, lấy nhận xét của học sinh này áp dụng cho học sinh kia thì quy định sẽ không còn ý nghĩa và phụ huynh sẽ không hài lòng khi thấy nhận xét chung chung của giáo viên như vậy…
Theo ông Dương Quốc Nam, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) việc thay đổi phương pháp đánh giá kết quả học tập đối với học sinh lớp 1 từ chấm điểm sang đánh giá, nhận xét cụ thể của ngành Giáo dục và Đào tạo đã giảm áp lực học hành cho học sinh. Bởi, khi học sinh bước vào lớp 1, thay đổi môi trường học tập so với mẫu giáo nên cần tạo cho các em tâm lý thích đi học, thích đến trường. Sự so sánh về điểm số giữa các học sinh sẽ làm nảy sinh tâm lý tự ti, chủ quan, gây áp lực cho các em bị điểm thấp. Dựa vào nhận xét cụ thể về kết quả học tập (những sai sót, khuyết điểm...) của các thầy, cô giáo sẽ giúp học sinh cố gắng hơn, gia đình có căn cứ để giúp con điều chỉnh, khắc phục, kịp thời động viên, khích lệ những ưu điểm để các cháu tiến bộ.
Hơn nữa, chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho học sinh lớp 1 không cao, chỉ nhằm mục đích giúp học sinh đọc thông, viết thạo. Trong 35 tuần học, thì 24 tuần đầu học sinh mới học hết các vần, sau đó, học sinh ghép vần và đọc chữ. Do đó, việc chấm điểm sẽ gây tâm lý không tốt cho đa số học sinh lớp 1 bởi nếu bị điểm kém học sinh dễ có tâm lý tự ti, chán nản, còn được điểm cao nhiều em sẽ nảy sinh thái độ chủ quan, dẫn đến lơ là việc học... Hiện nay, 100% trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện quy định không chấm điểm cho học sinh lớp 1.
Triển khai thực hiện quy định đánh giá bằng nhận xét đối với học sinh lớp 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 16-9-2013, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 925 về việc hướng dẫn tạm thời đánh giá học sinh lớp 1 năm học 2013-2014. Theo đó, yêu cầu giáo viên thực hiện đánh giá học sinh lớp 1 theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của học sinh, giúp các em thấy tự tin, vui thích khi đến trường. Đặc biệt, trong quá trình nhận xét, đánh giá học sinh, giáo viên không nên so sánh giữa các em, không chê trách các em khi có lỗi, giúp các em tự tin trong học tập. Phương pháp đánh giá mới này góp phần ngăn chặn việc học sinh phải học thêm, học trước chương trình. Nhiều giáo viên dạy lớp 1 cũng rất ủng hộ chủ trương này.
Việc nhận xét của giáo viên cần cụ thể, tỉ mỉ chỉ rõ những yêu cầu đã đạt được, những yêu cầu cần cố gắng về năng lực học Tiếng Việt, Toán, các môn học khác và hoạt động giáo dục; lời nhận xét theo hướng động viên, khích lệ, thân thiện là chính, tuyệt đối không dùng những lời nhận xét làm tổn thương đến học sinh, áp lực đối với cha mẹ học sinh… Giáo viên tổng hợp các đánh giá thường xuyên trong vở học sinh, Sổ chủ nhiệm, đánh giá định kỳ kết quả học tập môn Tiếng Việt, môn Toán, đánh giá tổng hợp cuối học kỳ I, cuối năm học về học lực môn theo các mức độ: giỏi, khá, trung bình, yếu….
Tuy nhiên, theo tìm hiểu được biết, khi thực hiện phương pháp mới cũng gây khó khăn nhất định đối với thầy, cô giáo, bởi việc đánh giá quá trình học tập của học sinh bằng việc chấm điểm, giáo viên chỉ cần nhận xét trong từng bài học cụ thể và phụ huynh cũng có cơ sở để thường xuyên theo dõi, nắm bắt lực học của con.
Với phương pháp mới đòi hỏi giáo viên phải theo dõi học sinh cả quá trình, việc nhận xét phải rất cụ thể trong từng bài để học sinh và phụ huynh thấy được những mặt hạn chế, những ưu điểm của con em mình. Với lớp học khá đông như hiện nay, việc này khá nặng nề với cô giáo. Hơn nữa, hiện vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể nào về các tiêu chí nhận xét và đánh giá học sinh lớp 1 khi chuyển sang hình thức không cho điểm.
Tuy nhiên, ngành Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể, nhất là những tiêu chí đánh giá để tất cả giáo viên dạy lớp 1 áp dụng thống nhất, tránh tình trạng mỗi giáo viên, mỗi trường có cách đánh giá khác nhau, không mang lại hiệu quả như mong muốn là phản ánh đúng chất lượng dạy và học…
Mỹ Hạnh