Phóng viên (PV): Thưa ông, tình hình kinh tế năm nay gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Ông có thể đánh giá những ảnh hưởng tới công tác thu ngân sách?
Ông Đinh Nam Thắng: Đại dịch COVID-19 bắt đầu khởi phát từ sau Tết Nguyên đán và bùng phát mạnh từ giữa tháng 3/2020 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đối với công tác thu ngân sách Nhà nước, nguồn thu bắt đầu giảm mạnh từ quý II khi các doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của hầu hết các doanh nghiệp bị chững lại.
Trong đó, một số doanh nghiệp phải dừng dây chuyền sản xuất hoặc giảm công suất hoạt động vì thiếu nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch (dịch vụ kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn...) trên địa bàn tỉnh cũng phải tạm ngừng hoạt động một thời gian do thực hiện công tác phòng, chống dịch và lượng khách đến tham quan giảm hẳn.
Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định số 41/NĐ-CP của Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế thu nhập cá nhân, Nghị quyết 116/2020/QH14 giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020... đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu ngân sách Nhà nước của cơ quan thuế trong thời gian qua.
PV: Ông có thể cho biết kết quả thu ngân sách Nhà nước đạt được trong 8 tháng đầu năm 2020?
Ông Đinh Nam Thắng: Về dự toán thu ngân sách năm 2020, HĐND tỉnh đã giao số thu nội địa cho ngành Thuế là 9.050 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay với việc triển khai nhiều giải pháp tổng thể, quyết liệt, trong đó có sự quan tâm chỉ đạo từ cấp trên, sự nỗ lực, quyết tâm của ngành Thuế và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người nộp thuế, số thu ngân sách Nhà nước vẫn đảm bảo đà tăng trưởng và Ninh Bình được đánh giá có tiến độ thu ngân sách đạt khá so với nhiều địa phương trong cả nước.
Tính đến hết tháng 8/2020 tổng số thu nội địa do Cục Thuế tỉnh thực hiện đạt trên 9.113 tỷ đồng, bằng 100,7 % dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó thu từ thuế, phí, lệ phí, thu khác đạt hơn 6.238,5 tỷ đồng (tăng 47,8 % so với cùng kỳ năm 2019); thu từ tiền sử dụng đất hơn 2.874 tỷ đồng tăng 16% so với cùng kỳ. Đã có nhiều sắc thuế thu đạt cao và vượt dự toán như: Thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 89,8%; thuế thu nhập cá nhân tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019...
PV: Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng kết quả đạt được ở trên cho thấy công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo tiến độ và đang trên đà tăng trưởng. Theo ông đâu là nguyên nhân chính?
Ông Đinh Nam Thắng: Để có được kết quả thu trên, nhiều tháng qua Cục Thuế tỉnh và các đơn vị trực thuộc luôn chủ động triển khai công tác lập kế hoạch hành động để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đồng thời thực hiện tốt các biện pháp chống thất thu ngân sách và nuôi dưỡng nguồn thu.
Công tác lập và giao dự toán thu ngân sách Nhà nước được thực hiện sớm và sát với tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn, đã tạo điều kiện để ngành nắm bắt tình hình, phân tích, chủ động khai thác tốt mọi nguồn thu.
Cùng với đó, Cục Thuế tỉnh đã chủ động xây dựng và thực hiện các phương án thu ngân sách cụ thể trong các tình huống, thực hiện quản lý nguồn thu theo từng lĩnh vực, từng địa bàn, từng sắc thuế trên cơ sở nắm chắc trạng thái hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngành cũng tập trung khai thác nguồn thu còn tiềm năng tại các khu vực kinh tế.
Tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế. Tăng cường các biện pháp quản lý nợ thuế, chống thất thu ngân sách. Khai thác tốt các khoản thu từ đất, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…
Từ đầu năm đến nay, bên cạnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn có những điểm sáng nỗ lực vượt khó và đã có nhiều đóng góp cho ngân sách Nhà nước, điển hình như: Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH kính nổi CFG; Công ty TNHH thép Kyoei Việt Nam; Công ty TNHH Giày ADORA Việt Nam; Công ty cổ phần nhiệt điện Ninh Bình; Công ty CP phân bón Bình Điền - Chi nhánh Ninh Bình và một số doanh nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh.
PV: Mặc dù công tác thu ngân sách trong 8 tháng tương đối khả quan, song những tháng cuối năm sẽ không mấy dễ dàng bởi dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại, kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp trong nước nói chung và của tỉnh nói riêng chưa hết khó khăn. Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2020, theo ông ngành Thuế sẽ tập trung vào những giải pháp quan trọng nào?
Ông Đinh Nam Thắng: Năm 2020 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, là năm thứ tư triển khai Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và thời kỳ ổn định ngân sách Nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2016 - 2020.
Trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn thách thức, song Cục Thuế tỉnh xác định sẽ tiếp tục thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vừa đảm bảo quản lý tốt nguồn thu, phấn đấu hoàn thành và vượt dự toán HĐND tỉnh giao.
Đối với công tác thu ngân sách Nhà nước, Cục Thuế tỉnh sẽ tập trung cao cho công tác quản lý thuế, chống thất thu, góp phần tăng thu ngân ngân sách Nhà nước. Trong đó, yêu cầu các phòng, chi cục thuế khu vực tiếp tục rà soát các nguồn thu, nhất là các khoản thu tiềm năng, còn dư địa lớn để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu do dịch COVID-19 gây ra như: thu từ đất, tài nguyên, khoáng sản; tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet; tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra...
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa, quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng internet, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Công tác kê khai, kế toán thuế tiếp tục được tập trung triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện các trường hợp khai sai, khai không đúng, phối hợp với doanh nghiệp để điều chỉnh theo quy trình, đảm bảo 100% hồ sơ khai thuế được kiểm soát chặt chẽ đúng quy định. Ngành tập trung kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, đảm bảo đưa vào quản lý thuế đối với 100% doanh nghiệp có kinh doanh.
Thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, đặc biệt là chú trọng công tác kiểm tra sau hoàn thuế, hạn chế tối đa hiện tượng lợi dụng thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát để khai không đúng hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm chiếm đoạt số tiền hoàn thuế của Nhà nước.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp của cả hệ thống chính trị trong việc quản lý, thu hồi nợ đọng thuế, nỗ lực kéo giảm nợ thuế đến thời điểm 31/12/2020 không vượt quá 5% so với số tổng thu ngân sách Nhà nước đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng cục Thuế. Cùng với đó toàn ngành tập trung giải quyết, xử lý khoanh nợ, xóa nợ thuế theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Song song với việc quản lý tốt nguồn thu, tăng thu ngân sách, Cục Thuế Ninh Bình tiếp tục triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế do ảnh hưởng của dịch Covid -19 theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND tỉnh. Đồng thời tiếp tục cải cách hành chính, triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế thông qua việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hồng Giang (thực hiện)