Đây là một đợt sinh hoạt trong Đảng để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị khẳng định những kết quả đã đạt được, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, khuyết nhược điểm của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, từng cá nhân các đồng chí cấp ủy, lãnh đạo và từng đảng viên, trên cơ sở đó để đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Kết quả của việc đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên còn giúp cho cấp ủy cấp trên và người lãnh đạo biết rõ được thực trạng của các tổ chức Đảng và đảng viên trong đảng bộ, chi bộ mình để có biện pháp làm tốt công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, đây cũng là một trong những căn cứ quan trọng để thực hiện các nội dung trong công tác cán bộ. Do vậy, việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và đúng quy định theo hướng dẫn của tổ chức Đảng cấp trên. Đối với tỉnh Ninh Bình, ngày 16-11-2015, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 02-KH-TU kiểm điểm tập thể, cá nhân gắn với đánh giá, phân loại cán bộ diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy quản lý năm 2015. Các Đảng ủy trực thuộc tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch hoặc Công văn chỉ đạo, hướng dẫn các Đảng ủy, Chi ủy cơ sở trực thuộc tiến hành kiểm điểm đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên năm 2015. Có thể nói, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên đối với việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm nay đã đầy đủ, chặt chẽ, chu đáo. Yếu tố quyết định việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên là việc nhận thức, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của từng Đảng ủy, chi ủy cơ sở và của mỗi đảng viên.
Để việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, thực chất thì các cấp ủy cơ sở và đảng viên phải chuẩn bị tốt báo cáo kiểm điểm của tập thể và bản kiểm điểm của cá nhân, trong đó phải chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, giải trình những nội dung gợi ý kiểm điểm của cấp ủy cấp trên (nếu có) và phương hướng khắc phục. Nội dung kiểm điểm tập thể cần làm rõ những kết quả lãnh đạo, quán triệt, xây dựng thực hiện các chương trình, kế hoạch theo chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị được giao. Kết quả lãnh đạo và thực hiện đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên ở cơ quan, địa phương, đơn vị.
Các giải pháp đấu tranh, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; kết quả khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI). Kiểm điểm rõ những yếu kém, khuyết điểm phát sinh mới (nếu có). Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thế, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nguyên tắc "tập trung, dân chủ"; các quy định, quy chế làm việc; công tác tổ chức, cán bộ; quản lý và phát triển đảng viên; đổi mới phương thức lãnh đạo; các biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng; kết quả xử lý sai phạm đối với tập thể, cá nhân. Kiểm điểm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật Đảng. Nội dung kiểm điểm đối với cá nhân là: về tưởng chính trị; về phẩm chất, đạo đức, lối sống; về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và về tổ chức kỷ luật. Khi tiến hành tổ chức kiểm điểm, phải kiểm điểm tập thể trước, cá nhân sau; lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân; lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể.
Trên cơ sở kết quả kiểm điểm và căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên để đánh giá, phân loại cho đúng đối với tập thể và cá nhân bảo đảm khách quan, thực chất, tránh việc kiểm điểm hình thức, xuê xoa, dĩ hòa vi quý hoặc "căn bệnh thành tích" hoặc nhân cơ hội kiểm điểm để nói xấu nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. Hơn lúc nào hết, ý thức tự giác, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của người cán bộ, đảng viên cần được phát huy trong các hội nghị kiểm điểm đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên.
Nguyễn Đông