Mọi hành động xả chất thải ra nguồn nước, đánh bắt cạn kiệt, khai thác có tính hủy diệt nguồn thủy sản tự nhiên ở sông, suối, ao, hồ… đều phải được xử lý và ngăn chặn kịp thời. Đây là việc làm không chỉ của các nhà quản lý mà còn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân đối với môi trường sống hiện tại cũng như lâu dài.
Tỉnh ta hiện có 3.400 ha mặt nước sông, suối và khoảng 3.000 ha mặt nước tự nhiên chưa sử dụng, rất tốt cho các loại thủy sản tự nhiên tồn tại, phát triển. Nếu ta biết tôn trọng, khai thác một cách khoa học, bảo vệ, giữ gìn môi trường sống tốt cho các loài thủy sản thì chúng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống con người.
Đáng tiếc là trong nhiều năm trở lại đây, do buông lỏng quản lý, do ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên của một bộ phận người dân kém nên nguồn thủy sản tự nhiên đã bị đánh bắt cạn kiệt. Nếu cứ để tình trạng người dân khai thác thủy sản bằng mìn, thuốc nổ trên sông, dùng xung kích điện trong các đầm hồ, vùng ngập nước tự nhiên thì sẽ để lại những hậu họa đáng tiếc, các mặt nước tự nhiên hoang hóa, nghèo nàn trữ lượng thủy sản, làm mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng cả trước mắt và khó có thể khôi phục về lâu dài.
Trước những hành vi thái quá của con người trong lĩnh vực bảo vệ, khai thác thủy sản tự nhiên, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh số 18/LCT/HĐNN ngày 3-5-1989 về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Điều 8 của Pháp lệnh đã ghi rõ: "Nghiêm cấm các hành vi sau đây làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản: Dùng chất độc hại, chất nổ, súng đạn, dùng điện làm tê liệt hoặc làm chết hàng loạt để khai thác nguồn lợi thủy sản; xả thải hoặc để rò rỉ các chất độc hại có nồng độ vượt quá giới hạn quy định ra môi trường nước tự nhiên"… Thực hiện Pháp lệnh trên, trong những năm qua, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Ninh Bình đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các hành vi khai thác hủy hoại nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Ninh Bình thì trong 2 năm 2010, 2011, Chi cục đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức tuần tra, kiểm tra trên các sông Đáy, sông Vạc, sông Hoàng Long. Kết quả đã kiểm tra 38 phương tiện khai thác thủy sản, lập 7 biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định phạt cảnh cáo 7 chủ phương tiện dùng xung kích điện để khai thác thủy sản, thu giữ nhiều phương tiện đánh bắt, buộc các đối tượng viết cam kết không tái phạm.
Từ đầu năm 2012 đến nay, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh kiểm tra 12 phương tiện, lập 8 biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ nhiều tang vật; phát 60 tờ rơi tuyên truyền, thực hiện Nghị định 31/2010/NĐ-CP. Ông Trần Văn Sáng, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết: "Tuy đã đạt được những kết quả nhất định trong xử lý, ngăn chặn việc xâm hại nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong những năm qua nhưng do lực lượng mỏng, kinh phí có hạn nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm mới đạt được mục đích là tuyên truyền cho các cấp chính quyền địa phương và người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên là chủ yếu".
Để nâng cao tính pháp lý của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, mới đây UBND tỉnh Ninh Bình đã ra Quyết định số 09 ngày 16-4-2012, ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong công tác bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Nội dung cơ bản của Quyết định là: Quy định trách nhiệm cho các cấp, ngành và cơ quan có liên quan trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, theo đó các huyện, thị xã trong tỉnh có sông, suối, ao, hồ, vùng ngập nước Vân Long… cần tổ chức kiểm tra thường xuyên việc đánh bắt thủy sản tự nhiên, nhất là cấm dùng kích điện, lưới quét, chất nổ… có hình thức xử lý thích đáng đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên quý giá.
Nguyễn Chấn