Việc cưới được thực hiện đúng quy định về đăng ký, cấp giấy phép kết hôn tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn; tổ chức đám cưới gọn, nhẹ, tiết kiệm; nhiều đám cưới không uống rượu say, không mời thuốc lá. ở các đám tang không còn tình trạng để người chết quá lâu trong nhà; hạn chế vòng hoa, bức trướng, mở nhạc quá to, quá khuya, không rải tiền trên đường…Các lễ hội được tổ chức theo đúng quy định, phát huy được truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn hiện tượng mê tín dị đoan, xa hoa, lãng phí cùng nhiều hủ tục lạc hậu đang phát triển tại các đám cưới, đám tang và lễ hội. Vẫn còn tình trạng tảo hôn xảy ra. Nhiều gia đình, trong đó có cả những cán bộ, đảng viên, vì động cơ vụ lợi, tổ chức đám cưới, đám tang linh đình, phô trương, có những trường hợp thực chất là "bán cỗ thu tiền". Một số đám cưới xảy ra tình trạng say rượu, gây mất trật tự công cộng, dựng rạp cưới lấn chiếm lòng, lề đường, gây cản trở giao thông… Một số đám tang vẫn còn tình trạng khóc thuê, phúng viếng quá nhiều vòng hoa, bức trướng. Việc an táng, cải táng chưa được quan đúng mức ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Các lễ hội còn xảy ra mất an ninh trật tự, cờ bạc trá hình, bày bán văn hóa phẩm không được phép lưu hành…Hiện tượng trên trở thành những vấn đề xã hội nhức nhối, làm xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống, lối sống cần kiệm, giản dị của dân tộc, phá hoại thuần phong, mỹ tục, ảnh hưởng xấu tới đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và nội dung của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Do đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu chiều sâu, hiệu quả thực hiện chưa cao. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở nhiều nơi chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, vận động mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa làm chuyển biến được nhận thức, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong cuộc sống hiện nay thì việc bảo tồn có chọn lọc, cải tiến, đổi mới những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; loại bỏ dần những hình thức lỗi thời, lạc hậu; nghiên cứu xây dựng và hình thành những hình thức văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc cưới, việc tang, lễ hội là việc làm cần được quan tâm đúng mức.
Để thực hiện chủ trương trên, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải thực sự quan tâm, có kế hoạch cụ thể chỉ đạo xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương. Phát động quần chúng nhân dân nêu cao vai trò làm chủ, ý thức tự giác, xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn về nếp sống văn minh - gia đình văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội làm nòng cốt tạo ra dư luận xã hội phê phán những biểu hiện cổ hủ, xa hoa, lãng phí, vụ lợi trong cưới xin, ma chay, tế lễ không phù hợp với yêu cầu của cuộc sống văn minh. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên cần gương mẫu chấp hành những quy định của Nhà nước, quy ước của địa phương về nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, cổ hủ, xa hoa lãng phí, vụ lợi trong việc cưới, việc tang, lễ hội; coi đây là một tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ, đảng viên, đoàn viên. Ngành Văn hóa thực hiện tốt việc xây dựng, hướng dẫn những nghi thức phù hợp trong việc cưới, việc tang, lễ hội cụ thể hóa và vận dụng thích hợp với điều kiện của từng vùng, miền. Các cơ quan truyền thông đại chúng thường xuyên tuyên truyền về cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nêu gương những điển hình tiên tiến, những mô hình làm tốt về nếp sống văn minh và phê phán đối với những vi phạm nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Mạnh Dũng