Di chúc của Người là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng loài người. Di chúc của Bác còn là những lời căn dặn, tổng kết những kinh nghiệm được Người rút ra từ thực tiễn cách mạng của dân tộc. Trong phần cuối cùng bản Di chúc, Người viết: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong suốt 40 năm qua, Đảng bộ, quân và dân thành phố Ninh Bình đã nỗ lực xây dựng thành phố ngày một văn minh, giàu đẹp.
Nhìn lại những năm trước đây, sau khi tái lập tỉnh (năm 1992), thị xã Ninh Bình trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Ninh Bình gặp rất nhiều khó khăn, có rất nhiều việc phải làm. Quy mô thị xã nhỏ bé, cơ sở hạ tầng lạc hậu và xuống cấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, bộ mặt đô thị chưa có nhiều đổi mới, thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp, giải quyết việc làm là vấn đề bức xúc cần tháo gỡ. Nhiều đơn vị kinh tế quốc doanh và tập thể chưa thích ứng được với cơ chế thị trường, sản xuất chưa vững chắc, có đơn vị thua lỗ, trật tự kỷ cương trong các hoạt động kinh tế - xã hội có mặt còn buông lỏng, công tác quốc phòng - an ninh chưa được quan tâm; sự phối hợp phát huy sức mạnh trong hệ thống chính trị các cấp còn hạn chế so với yêu cầu.
Trước những khó khăn đặt ra đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong thị xã phải tập trung giải quyết. Ngay từ năm đầu tiên sau khi tách tỉnh (năm 1993), Thị ủy đã xác định phải tập trung tổ chức sắp xếp lại tổ chức thương nghiệp dịch vụ, quốc doanh cho phù hợp với cơ chế mới, tiến hành giải thể các đơn vị kinh tế, hợp tác xã làm ăn kém hiệu quả, đổi mới tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, khuyến khích tạo điều kiện để kinh tế tư nhân, kinh tế gia đình phát triển mạnh và đúng hướng nhằm giải quyết việc làm và thu nhập cho nhân dân; tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với kinh tế ngoài quốc doanh, xây dựng kế hoạch đào tạo, dạy nghề, khôi phục và phát huy các ngành nghề truyền thống, phấn đâu thu ngân sách đạt 5,7 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần so với năm 1992). Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị như các công trình đường giao thông, trường học, điện, nước sạch từ nguồn vốn đóng góp của nhân dân và Nhà nước, đồng thời chú trọng công tác vệ sinh môi trường, xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp…..
Đảng bộ và nhân dân thị xã Ninh Bình (nay là thành phố Ninh Bình) đã tập chung sức lực, trí tuệ, đoàn kết phấn đấu xây dựng thành phố trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Đặc biệt, thành phố Ninh Bình đã tích cực triển khai thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" xác định rõ mục đích chính là nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh…, nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Có được diện mạo thành phố như ngày hôm nay, các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc để phấn đấu thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 40 năm qua Đảng bộ, quân và dân thành phố Ninh Bình có những bước đi vững chắc trên con đường hội nhập và phát triển, xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố văn minh, giàu đẹp. Thành phố Ninh Bình đến nay đã phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, năm 2008 đạt 19,1%, cơ cấu kinh tế có chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, thu ngân sách năm 2008 đạt 574 tỷ đồng. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2008 còn 1,12%, mỗi năm đã giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 88,2%, tổ dân phố, thôn xóm văn hóa đạt 37,2%, cơ quan văn hóa đạt 86%; tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt 99%; 31/41 trường được xây dựng đạt chuẩn Quốc gia, 12/14 xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế, cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ, đến nay 95% đường giao thông nội phường, nội phố, nội thôn và 55% kênh mương cấp 1 được kiên cố. Nhiều công trình, dự án lớn được thực hiện đã làm thay đổi diện mạo, cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại như các công trình Nhà thi đấu TDTT, sân vận động, cầu vượt, trụ sở các cơ quan, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, dịch vụ, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè… .
Đảng bộ, quân và dân thành phố đã và đang tích cực học tập và làm theo lời dạy trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng thành phố Ninh Bình văn minh, giàu đẹp là góp phần xây dựng một nước Việt Nam "hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". Bên cạnh đó cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Thành ủy đã đề ra những chủ trương vừa có tính toàn diện, vừa sát thực với tình hình thực tiễn, vừa có tính khả thi; cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tích cực phấn đấu với tinh thần trách nhiệm, đồng thuận cao. Đổi mới phương thức lãnh đạo, hướng về cơ sở, lắng nghe ý kiến nhân dân, phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân đang được các cấp ủy đảng, chính quyền trong thành phố, hướng tới xây dựng thành phố Ninh Bình giàu đẹp, văn minh theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quỳnh Thu