Có thể nói, Đề án 06 của Thường trực HĐND tỉnh về việc "Hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở" theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống, được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, giúp nhiều hộ nghèo an cư lạc nghiệp... Đó là đánh giá của đồng chí Bùi Xuân Đỉnh, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện khi nói về Đề án 06.
Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi đến thăm gia đình bà Đinh Thị Quỳ, 58 tuổi ở thôn Cầu Mơ (xã Văn Phong), một hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà mới. Khi chúng tôi đến, bà Quỳ đang chữa bệnh tại Hòa Bình, chỉ có vợ chồng ông Bùi Văn Thành là cháu họ của bà đang sửa nền nhà mới xây. Đó là căn nhà mái bằng nằm trong ngõ nhỏ của thôn Cầu Mơ mà nhiều người dân ở đây mới đặt cho cái tên là nhà "Đề án 06".
Anh Hoàng Văn Hương, cán bộ phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội xã Văn Phong đi cùng chỉ cho chúng tôi ngôi nhà cũ của bà Quỳ. Thật khó tin được đó là "nhà" vì tường chỉ bằng mấy hàng gạch bi xếp lên, cao chừng hơn 1 m với vài tấm lợp bằng xi măng. Bà Quỳ bị tàn tật bẩm sinh nên sinh hoạt gặp nhiều bất tiện. Bà không có chồng và 26 năm nay ở với người con của chị gái là ông Bùi Văn Thành. Hoàn cảnh gia đình ông Thành cũng không lấy gì khá giả nên chẳng đỡ đần bà được nhiều.
Ông Thành tiếp lời: Vừa qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương mà dì tôi được hỗ trợ 25 triệu đồng. Vui mừng, phấn khởi trước sự quan tâm ấy, các con, cháu trong gia đình tôi đã góp công, góp của thêm vào nên đã xây được căn nhà mới này, trị giá 45 triệu đồng. Nỗi khổ của dì tôi và gia đình mỗi khi trời nắng nóng, nỗi lo canh cánh khi mùa mưa bão về đã được giải tỏa...
Trường hợp của bà Đinh Thị Quỳ chỉ là một trong 28 hộ nghèo ở xã Văn Phong đã được giúp đỡ xây mới, sửa chữa nhà theo Đề án 06 của Thường trực HĐND tỉnh. Qua trao đổi với các đồng chí lãnh đạo xã, chúng tôi được biết: Thấm nhuần quan điểm "có an cư mới lạc nghiệp" nên việc xóa nhà tranh tre, dột nát cho hộ nghèo được xã xác định là một trong những việc làm trọng tâm của chương trình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Thực hiện Đề án số 06 của Thường trực HĐND tỉnh, Văn Phong đã thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà dột nát và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Xã đã huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể cùng vào cuộc với phương châm: ngân sách Trung ương, tỉnh và huyện hỗ trợ một phần quan trọng, một phần do gia đình, họ hàng, xóm giềng trợ giúp. Theo Đề án, toàn xã đã có 7 hộ được hỗ trợ xây mới, 21 hộ được hỗ trợ sửa chữa. Đến thời điểm này, 23/28 hộ đã xây xong nhà mới và hoàn thành sửa chữa. Văn Phong phấn đấu đến hết tháng 10 năm 2009 sẽ hoàn thành kế hoạch.
Đồng chí Bùi Xuân Đỉnh, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết: Thực hiện Đề án 06 của Thường trực HĐND tỉnh, huyện Nho Quan đã tiến hành khảo sát, phân loại số hộ khó khăn về nhà ở. Qua khảo sát, toàn huyện có 495 hộ nghèo cần hỗ trợ xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở giai đoạn 2009-2010. Theo kế hoạch, năm 2009 huyện Nho Quan sẽ có 324 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa, xây mới. Trong số 324 hộ cần được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở (năm 2009) thì số hộ được hỗ trợ xây mới là 180 hộ, còn lại được hỗ trợ sửa chữa. Tổng kinh phí hỗ trợ là 6,3 tỷ đồng, trong đó, nguồn hỗ trợ của Trung ương là trên 3,4 tỷ đồng, nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và các quỹ của tỉnh gần 2,6 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 249 triệu đồng, còn lại là ngân sách các xã, thị trấn.
Đến giữa tháng 9, huyện đã chuyển hết số tiền hỗ trợ từ nguồn của Trung ương, của tỉnh, huyện đến các địa phương và chuyển tới các gia đình được hỗ trợ, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. Đặc biệt, trong 171 hộ nghèo theo kế hoạch đến năm 2010 mới được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở nhưng trên thực tế có 67 hộ phải tiến hành sửa chữa, xây mới ngay trong năm 2009, huyện đã đề nghị với tỉnh và đã được chấp thuận.
Sự hỗ trợ theo Đề án 06 là yếu tố quan trọng để vận động nhân dân thôn, xóm giúp hộ nghèo xóa nhà dột nát. Có trường hợp khi kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện chưa kịp giải ngân thì Ban công tác Mặt trận thôn, bản đã đứng ra tín chấp với các ngân hàng, với các đại lý kinh doanh vật liệu giúp các hộ nghèo được mua nguyên, vật liệu kịp xây dựng, sửa chữa.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06, Nho Quan cũng đã gặp không ít vướng mắc, đó là nhiều hộ được hỗ trợ sửa chữa nhưng đến khi thực hiện thì rơi vào tình trạng "để thì là nhà, dỡ ra thành củi", do đó trong kế hoạch là chỉ sửa chữa nhưng thực tế lại phải xây mới nên những hộ này còn gặp nhiều khó khăn. Việc khởi công xây mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo đúng vào mùa mưa bão nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện. Trước thực tế đó, Nho Quan đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực kiểm tra, đôn đốc thi công, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Đồng thời linh hoạt trong việc điều chuyển kinh phí của một số hộ không có nhu cầu sửa chữa, xây mới sang những hộ khó khăn khác có nhu cầu.
Tích cực vận động sự giúp đỡ của cộng đồng dân cư và phát huy nội lực của chính các hộ nghèo để xây mới, sửa chữa nhà ở dột nát. Nhờ đó mà nhiều ngôi nhà của hộ nghèo được xây dựng, sửa chữa nhanh chóng trước mùa mưa bão. Đến đầu tháng 10, toàn huyện đã có 363/495 hộ khởi công xây mới, sửa chữa nhà, trong đó có 153 hộ đã hoàn thành (77 hộ xây mới, 76 hộ sửa chữa).
Bài, ảnh: Đinh Ngọc