Khi năm học mới đã bắt đầu được gần một tháng, nhiều trường mầm non, tiểu học, THCS đã triển khai họp phụ huynh. Câu chuyện đóng góp các khoản phí cho con em đến trường đang là chủ đề "nóng" ở các khu dân cư, cơ quan, đơn vị…
Gia đình chị Nguyễn Thu Hòa, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) có 2 con, đứa đầu lên lớp 3, đứa sau vào lớp mẫu giáo. Chia sẻ về những khoản đóng góp đầu năm học, chị Hòa trăn trở: Chuẩn bị vào năm học mới, việc đầu tư mua sách vở, đồ dùng học tập, quần áo… của hai cháu đã ngốn hơn triệu bạc, giờ lại thêm các khoản đóng góp đầu năm học (mới là tạm thu) cho 2 con cũng gần 2 triệu đồng nữa, thực sự liền một lúc đóng nhiều khoản tiền như vậy là gánh nặng đối với gia đình chị và rất nhiều gia đình…
Mặc dù Điều 105 Luật Giáo dục đã nêu rõ: Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, các khoản thu ngoài tiền học phí vẫn diễn ra ở nhiều trường, nhất là ở các trường điểm, trường thuộc địa bàn thành phố, thị xã. Phải thừa nhận rằng, những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, các cơ sở giáo dục công lập của tỉnh ta đã nhận được sự quan tâm, đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân, nhất là phụ huynh học sinh.
Cùng với ngân sách Nhà nước, các khoản đóng góp của phụ huynh học sinh đã góp phần nâng cấp cơ sở vật chất, hỗ trợ tổ chức các hoạt động của nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc học sinh trong nhà trường được tốt hơn.
Có hai dạng hỗ trợ, một là, tình nguyện góp cho trường, hai là, huy động đóng góp. Dù ở phương diện nào, yếu tố tự nguyện vẫn là quan trọng nhất. Tuy nhiên, do việc hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, chặt chẽ nên việc huy động đóng góp ở các cơ sở giáo dục không thống nhất, chưa tạo được sự đồng thuận cao của phụ huynh học sinh.
Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu các khoản đóng góp đầu năm học, ngay từ giữa tháng 8-2012, Sở Giáo dục - Đào tạo đã ban hành Hướng dẫn số 804 về việc thực hiện các khoản thu trong trường học năm học 2012-2013. Trong đó, các khoản thu chia làm ba loại: Khoản thu hộ gồm bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế học sinh, quỹ Đoàn, Đội; các khoản thu để phục vụ cho học sinh như mua quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu học sinh, vở học tập mang tên trường… và những khoản đóng góp thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh.
Hướng dẫn cũng nêu rõ, đối với những khoản thu hộ như Bảo hiểm thân thể là khoản thu tự nguyện, phụ huynh có quyền lựa chọn các loại hình bảo hiểm vì vậy không được đưa khoản thu này là khoản thu bắt buộc. Bảo hiểm y tế học sinh được thực hiện theo Công văn số 588/LN-SGDĐT -BHXH ngày 18-7-2012 Liên ngành Sở Giáo dục - Đào tạo, Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện BHYT cho học sinh năm học 2012-2013. Quỹ Đoàn, Đội do các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường thu, chi và quản lý, sử dụng, mức thu thực hiện theo quy định của các tổ chức Đoàn, Đội cấp trên. Đối với các khoản thu để phục vụ cho học sinh như mua quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu học sinh, vở học tập mang tên trường... các cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh học sinh, phụ huynh học sinh tự lựa chọn và quyết định hình thức mua thích hợp.
Đối với các những khoản đóng góp thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh như: tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú… yêu cầu nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi, đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù đắp các chi phí. Ngoài các khoản thu quy định trên, các cơ sở giáo dục không được thu thêm một khoản thu nào khác.
Đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hướng dẫn 804 cũng quy định nguyên tắc chung về nguồn kinh phí huy động. Theo đó, nguồn thu là từ sự đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh, không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Tổ chức và hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh được thực hiện theo Thông tư số 55.
Nhà trường cần làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện, nguyện vọng được đóng góp hỗ trợ cả vật chất và tinh thần cho nhà trường. Đối với các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, việc tiếp nhận các khoản viện trợ thực hiện theo quy định của Nhà nước.
Tất cả các khoản thu đóng góp phải được quản lý chặt chẽ, phản ánh qua hệ thống sổ sách kế toán, thực hiện công khai dự toán và quyết toán các khoản đóng góp tự nguyện theo đúng quy định của pháp luật. Các khoản thu tự nguyện chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của cơ quan cấp trên và bất cứ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật.
Việc ban hành Hướng dẫn này nhằm công khai các khoản thu chi, tránh tình trạng lạm thu đầu năm nhằm giảm áp lực cho phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Quang ánh, Phó Giám đốc Thường trực Sở Giáo dục - Đào tạo, mặc dù hàng năm, trước khi bước vào năm học mới, Sở đều ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu ngoài học phí nhưng tình trạng lạm thu vẫn diễn ra ở một số trường học.
Hàng loạt các khoản tiền như mua máy điều hòa nhiệt độ, thay rèm cửa, thuê bảo vệ, dọn vệ sinh trường, lớp, chăm sóc cây cảnh, điện - nước, quỹ hội phụ huynh lớp, quỹ hội phụ huynh trường... khiến số tiền đóng góp đầu năm học cho mỗi học sinh lên đến hàng triệu đồng. Các khoản tiền vô lý này thường được thông báo là "tùy tâm", "ủng hộ", "tài trợ" hoặc "tự nguyện", nhưng đều có "mức trần" cụ thể và phụ huynh học sinh cứ thế mà nộp, gia đình nào khó khăn phải có đơn và được cô giáo chủ nhiệm xác nhận.
Phía phụ huynh học sinh thì dù bức xúc, thắc mắc nhưng cũng ít người dám phản đối, vì sợ ảnh hưởng đến con em mình và nhiều khi có nói cũng không giải quyết được gì vì số người dám lên tiếng chỉ là thiểu số...
Trước thực trạng trên, trong tháng 9 và tháng 10, Sở Giáo dục - Đạo tạo đã có kế hoạch thanh tra toàn diện, thanh tra riêng về thực hiện các khoản thu đầu năm học ở một số trường học, qua đó nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm và công khai các trường hợp sai phạm. Có như vậy, tình trạng lạm thu các khoản đóng góp đầu năm học mới sẽ được chấn chỉnh và không trở thành nỗi lo cho nhiều gia đình khi con em bước vào năm học mới.
Hạnh Chi