6 tháng đầu năm 2012, tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 6.892 tỷ đồng, bằng 45,34% kế hoạch năm, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 170 triệu USD, bằng 64,15% kế hoạch năm, tăng 70,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng dệt may chiếm tỷ trọng lớn nhất, trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm trước là: Quần áo may sẵn; xi măng, clinker; thịt đông lạnh; nước dứa cô đặc; thảm cói.
Công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được tăng cường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm. Đáng ghi nhận là Ngành đã phối hợp tổ chức thành công Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Ninh Bình nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình với trên 300 gian hàng tham gia, trong đó có trên 100 gian triển lãm các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiểu biểu của tỉnh. Tổ chức cho 6 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia Hội chợ Quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ do Hiệp hội hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh; 3 doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm giao lưu kinh tế ba miền Bắc - Trung - Nam; tổ chức đoàn khảo sát tình hình ứng dụng thương mại điện tử tại 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tập huấn nghiệp vụ thương mại điện tử cho cán bộ quản lý và các doanh nghiệp.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, trong đó tập trung kiểm tra xử lý các hành vi như kinh doanh hàng cấm, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, đo lường chất lượng...; kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas trong thời điểm có sự biến động về giá; tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Kết hợp việc kiểm tra, kiểm soát thị trường để thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật thương mại cho thương nhân trên địa bàn.
Đối với hoạt động thương mại nội địa đã đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống; khối lượng hàng hóa lưu thông lớn, mặt hàng đa dạng, các tổ chức, doanh nghiệp cung ứng hàng hóa đáp ứng kịp thời nhu cầu cơ bản cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường ước đạt 7.865,3 tỷ đồng, đạt 46,28% kế hoạch năm, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với những mặt công tác nêu trên, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm khuyến công xây dựng kế hoạch khuyến công Trung ương, địa phương; đã được Bộ Công thương và UBND tỉnh phê duyệt 29 đề án khuyến công, Trung tâm tập trung triển khai đến nay đã thực hiện được 65% kế hoạch đề ra. Tổ chức khai giảng các lớp đào tạo nghề cho 610 lao động, trong đó 500 lao động được đào tạo đan cói, bèo, bẹ chuối và 110 lao động được đào tạo nghề mỹ ký, đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về khai khoáng, điện năng, xây dựng các chương trình, đề án cho phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tham mưu cho UBND tỉnh các phương án quản lý tốt nhất nhưng cũng hợp lý nhất để tạo điều kiện tho các doanh nghiệp phát triển.
Từ nay đến cuối năm, Sở Công thương sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch phát triển công nghiệp, nghề làng nghề; xây dựng dự thảo quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công; xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn sau khi UBND tỉnh ban hành quy định chuyển đổi. Mở các lớp tập huấn thương mại điện tử, hội nhập kinh tế quốc tế... Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung rà soát bổ sung các thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính của ngành tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh... góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển.
Bảo Yến