Trở về sau cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong số 20 cựu chiến binh thành lập thư viện có tới 10 người là thương binh, trong đó 5 người là thương binh hạng 2/4, 3 thương binh hạng 3/4 và 2 người nhiễm chất độc da cam. Cống hiến hết tuổi thanh xuân ở chiến trường nhưng khi trở về thời bình, những cựu chiến binh vẫn mong muốn làm việc có ích cho xã hội.
Ông Phạm Xuân Ngợi, Chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh thôn Thiện Hối, người quản lý thư viện chia sẻ, là địa phương có địa hình chiêm trũng, do thiếu sân chơi nên những năm trước nhiều trường hợp trẻ tắm sông không có người lớn quản lý nên bị chết đuối rất thương tâm. Nhiều em dịp nghỉ hè tìm đến quán điện tử ảnh hưởng không tốt từ những trò chơi bạo lực và ngôn ngữ mạng. Vì vậy, năm 2012, chúng tôi thành lập thư viện với mục đích giúp người dân, đặc biệt là các em thiếu nhi quanh vùng có nơi giải trí, nâng cao tri thức, đồng thời là nơi các cựu chiến binh gặp gỡ và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Thư viện mở cửa vào các ngày cuối tuần. Dịp hè, thư viện cựu chiến binh mở cửa thêm vào ngày thứ 5 để phục vụ các em thiếu nhi trong các ngày nghỉ. Mặt bằng thư viện được tận dụng từ khu nhà Mầm non cũ của xã.
Ban đầu, do kinh phí còn hạn hẹp nên các thành viên phải tìm đến nhà sách cũ để mua sách đã qua sử dụng và khuyến khích người dân ủng hộ. Những ngày đầu mới thành lập, thư viện chỉ có gần 100 đầu sách, báo và tạp chí, tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, thư viện đã thu hút được nhiều bạn đọc yêu thích sách và ủng hộ thêm sách, báo. Nhiều cựu chiến binh sẵn sàng bỏ tiền túi để ủng hộ thư viện. Với lợi ích tạo sân chơi bổ ích cho các cháu, đồng thời còn là nơi cung cấp các kiến thức cho bà con trong phát triển sản xuất nên nhiều người dân không ngại ngần ủng hộ kinh phí làm bàn, ghế và ủng hộ sách, báo cho thư viện.
Để thu hút người dân, đăc biệt là trẻ em đến với thư viện, thư viện phục vụ hoàn toàn miễn phí. Đối với người dân trong vùng, công việc nhà nông bận rộn nên các thành viên cho bà con mượn sách, báo về nhà đọc. Các cuốn sách về kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt được rất nhiều người quan tâm. Ngoài ra, để thu hút các em, những cuốn sách, báo không chỉ cần nội dung tốt mà còn phải có hình thức đẹp, hấp dẫn. Vì thế, các cựu chiến binh tìm mua nhiều bộ truyện tranh hấp dẫn như Thần Đồng đất Việt, Đôrêmon để lôi cuốn các em. Từ đó, dần dần khuyến khích các em đọc các tác phẩm văn học, các sách có đề tài lịch sử dân tộc, về Bác Hồ. Cùng với sự hình thành thói quen đọc sách, các em sẽ tự biết lựa chọn những tác phẩm sách hay, phù hợp và bổ ích tùy theo lứa tuổi.
Ông Ngợi cho biết: "Thư viện thôn Thiện Hối duy trì và hoạt động tốt, một phần quan trọng là nhờ có mạng lưới cộng tác viên. Các cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, các đoàn viên, thanh niên và cả người dân trong làng đã tình nguyện làm công tác quản lý, thủ thư, người tiếp khách, hướng dẫn người dân đọc, mượn sách, đồng thời cũng chính là những độc giả trung thành của thư viện".
Hàng năm, vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6 và Rằm Trung thu, Chi hội Cựu chiến binh phát động tuần sách cho thiếu nhi với nhiều hoạt động thu hút các em như thả thuyền giấy và thắp nến tri ân, báo công với Bác Hồ; tuyên dương, khen thưởng và tặng sách, báo cho các em đọc sách có ý thức trong việc giữ gìn và các hoạt động vui chơi để thu hút thiếu nhi đến với thư viện.
Theo ông Đặng Đắc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân, hoạt động của các thư viện thôn xóm còn góp phần thúc đẩy công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ. Thư viện cựu chiến binh đã thu hút được khá nhiều các em trong độ tuổi học sinh đến đọc, không chỉ góp phần tạo sân chơi cho các em mà còn khơi dậy văn hóa đọc cho thiếu nhi nông thôn. Nhờ đó, nhiều em có kết quả tốt hơn trong học tập, nhiều em đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi văn, lịch sử.
Thời gian tới, ngoài tiếp tục tận dụng các nguồn xã hội hóa để mua thêm sách, báo cho thiếu nhi, thư viện còn hướng đến đầu tư cơ sở vật chất, tạo thêm sân chơi cho các cháu như cờ vua, bóng bàn, cầu lông, giúp trẻ em trên địa bàn phát triển toàn diện.
Kim Yến