P.V: Xin đồng chí cho biết những khó khăn trong công tác thu ngân sách sau khi tái lập tỉnh năm 1992? Đ/c Đinh Chung Phụng: Thực trạng KT-XH tỉnh Ninh Bình ở thời điểm cuối năm 1991 đầu năm 1992 thực sự là những khó khăn thách thức lớn trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương nói chung và công tác thu ngân sách Nhà nước nói riêng.
Cụ thể, các nguồn thu còn nhỏ, lẻ, manh mún, toàn tỉnh có 44 doanh nghiệp công nghiệp do Nhà nước quản lý, trong đó 39 cơ sở quy mô nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, phần lớn thiết bị thuộc thế hệ trước năm 1960. Nhiều cơ sở sản xuất bằng phương pháp thủ công, năng suất thấp, chất lượng, hiệu quả kém.
Một số doanh nghiệp Nhà nước khi chuyển sang cơ chế thị trường tự hạch toán kinh doanh bộc lộ rõ tình trạng lúng túng trong quản lý; thiếu năng động, sản xuất thua lỗ kéo dài; sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu thụ khó khăn, thị trường nhỏ, một số doanh nghiệp trong tình trạng "chờ giải thể".
Tiểu thủ công nghiệp phân tán, manh mún. Tốc độ phát triển sản xuất từ năm 1980 đến 1990 tăng bình quân chưa đến 1%. Sản lượng lương thực bình quân chưa đạt 300 kg/người/năm. Thu nhập của người lao động thấp, đại bộ phận nhân dân đời sống còn rất khó khăn…
Điều đó ảnh hưởng lớn đến công tác thu ngân sách Nhà nước. Tổng thu ngân sách năm 1992 chỉ đạt 38,98 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng cơ cấu nguồn thu chủ yếu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp (chiếm 58,4%). Thu - chi ngân sách ở địa phương mất cân đối lớn, thu không đủ chi.
P.V: Từ một tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp, Ninh Bình đã có những chiến lược như thế nào để gia tăng nguồn thu ngân sách qua các năm, thưa đồng chí?
Đ/c Đinh Chung Phụng: Trong 25 năm qua, thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện khá tốt mục tiêu huy động nguồn lực ưu tiên phát triển công nghiệp theo hướng tập trung vào những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh.
Hoạt động xúc tiến đầu tư trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực trong việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ mọi nguồn vốn trong và ngoài tỉnh, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế cao.
Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như: Khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh; quy định ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào Khu công nghiệp Gián Khẩu; khuyến khích đầu tư vào khu dịch vụ khách sạn trung tâm thành phố Ninh Bình.
Bên cạnh đó, tỉnh đã quy hoạch 7 khu công nghiệp (Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp, Khánh Cư, Phúc Sơn, Xích Thổ, Sơn Hà) với tổng diện tích quy hoạch là 1.961 ha, chiếm khoảng 1,4% diện tích đất tự nhiên của tỉnh; 7 khu du lịch trọng điểm (Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Địch Lộng - Vân Long - Kênh Gà, Nhà thờ đá Phát Diệm - Kim Sơn; Kỳ Phú - hồ Đồng Chương; hồ Yên Thắng - hồ Yên Đồng - động Mã Tiên, Phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, trung tâm thành phố Ninh Bình) và 1 khu dịch vụ khách sạn, nhà hàng tại trung tâm thành phố Ninh Bình.
Sau nhiều năm kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp có bước phát triển khá, đến nay một số dự án đầu tư đã hoàn thành, đi vào sản xuất, kinh doanh tạo sản phẩm mới, góp phần quan trọng tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn và qua đó cũng có nhiều đóng góp cho ngân sách.
P.V: Thưa đồng chí, để điều hành công tác thu ngân sách Nhà nước đối với ngành Thuế, Hải quan, những năm qua tỉnh đã có những giải pháp nào?
Đ/c Đinh Chung Phụng: Thu ngân sách là một nhiệm vụ quan trọng, do đó hàng năm UBND tỉnh luôn chỉ đạo sát sao, kịp thời các cơ quan chuyên môn là Cục Thuế, Cục Hải quan thường xuyên theo dõi sát tiến độ thu của đơn vị, nắm chắc các nguồn thu, nhất là các nguồn thu còn tiềm năng để tập trung khai thác triệt để.
Trong đó, ngành Thuế nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, kiểm soát chặt chẽ tình hình kê khai, nộp thuế gắn với việc phát hành, sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai, khai thiếu số thuế phải nộp, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để gian lận, trốn thuế.
Tích cực cải cách hành chính hỗ trợ người nộp thuế. Kịp thời biểu dương doanh nghiệp nộp thuế tốt, đồng thời công khai các doanh nghiệp chây ỳ, nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo phương pháp quản lý rủi ro; công tác thanh, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng, đặc biệt chú trọng thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản và kinh doanh xăng dầu nhằm quản lý tốt nguồn thu, chống thất thu ngân sách Nhà nước.
Ngành Thuế Ninh Bình cũng đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, chỉ thị để tăng cường công tác quản lý thuế trên địa bàn tỉnh như: Đề án 202 về tăng cường quản lý, chống thất thu thuế trên lĩnh vực xây dựng cơ bản và khai thác tài nguyên khoáng sản.
Đề án 1030 về tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Chỉ thị số 01 về việc thực hiện kê khai thuế và nộp thuế điện tử. Chỉ thị 11 về tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Việc thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh năm 2016 tại Ninh Bình cũng đã đặt dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.
Với những nỗ lực rất lớn của ngành Hải quan trong việc thực hiện cải cách hành chính, việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đã được ngành Hải quan chính thức triển khai từ cuối năm 2014, đến nay, cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 10 Bộ, ngành có liên quan.
Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa, 33 thủ tục hành chính của 9 Bộ, ngành còn lại đã thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia. Từ tháng 9-2015, cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình nói riêng thuận lợi trong việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong công tác thu ngân sách Nhà nước?
Đ/c Đinh Chung Phụng: Sau 25 năm tái lập tỉnh, Ninh Bình đã có sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó không thể không kể đến thành tựu thu ngân sách trên địa bàn đã liên tục chinh phục đỉnh cao mới. Thời điểm tái lập tỉnh năm 1992, tổng thu ngân sách trên địa bàn mới chỉ đạt gần 40 tỷ đồng, trong đó: Thuế sử dụng đất nông nghiệp chiếm khoảng 58%; thuế khu vực kinh tế quốc doanh chiếm 20%; thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chiếm 10,6%.
Sau 10 năm từ khi tái lập tỉnh số thu ngân sách năm 2002 tăng gấp 3 lần, đạt 116 tỷ đồng, tỷ trọng cơ cấu nguồn thu đã có nhiều thay đổi như: Thuế khu vực kinh tế quốc doanh chiếm 32,6%; thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chiếm 21,6%; thuế sử dụng đất nông nghiệp chỉ còn chiếm 8,9% cơ cấu nguồn thu ngân sách
Đặc biệt, trong hơn 10 năm trở lại đây, nhờ những bước tiến quan trọng về phát triển kinh tế và những chủ trương và giải pháp quyết liệt, đồng bộ, khai thác triệt để các nguồn thu, đến năm 2010 tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.100 tỷ đồng. Năm 2016 số thu ngân sách đạt mốc kỷ lục khi cán đích 7.264 tỷ đồng, tăng gấp 181 lần so với thời kỳ mới tái lập tỉnh, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy KT - XH phát triển.
Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự cố gắng, nỗ lực của ngành Thuế, những kết quả quan trọng đạt được trong công tác thu ngân sách trong suốt 25 năm, kể từ khi tái lập tỉnh là tiền đề, động lực để Ninh Bình tiếp tục thực hiện nhiều mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng trên các lĩnh vực phát triển KT - XH.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (thực hiện)