Thu hút giáo viên dạy nghề: Cần những chính sách và sự đầu tư đồng bộ
Chủ Nhật, 20/11/2022, 02:24
Zalo
Khác với các giáo viên dạy văn hóa, giáo viên dạy nghề không những phải có kỹ năng sư phạm tốt, vững vàng về chuyên môn, nắm chắc chương trình dạy, mà họ còn phải là những người công nhân thực thụ. Với những yêu cầu đó, những năm qua, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh luôn có nhiều chính sách đặc biệt để thu hút đội ngũ giáo viên có kỹ năng tay nghề giỏi.
Thu hút giáo viên dạy nghề: Cần những chính sách và sự đầu tư đồng bộ
Anh Nguyễn Văn Linh, sinh năm 1991, ở xã Yên Nhân (huyện Yên Mô) trước khi trở thành thầy giáo dạy nghề xây dựng dân dụng của Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô vốn là một thợ xây. Anh Linh nhớ lại, khi trở thành sinh viên Khoa Xây dựng dân dụng của nhà trường, tôi vốn rất tự tin bởi lẽ đây là nghề đã mang lại cho tôi cơm ăn, áo mặc. Dẫu vậy, khi bước vào học, bắt tay vào các tiết thực hành tôi mới thấy được những kỹ năng nghề của bản thân vẫn còn chưa hoàn thiện.
Sau những nỗ lực không ngừng, cùng với tinh thần học tập nghiêm túc đã mang lại cho anh Linh thành công trong học tập. Anh Linh luôn là học sinh xuất sắc của nhà trường. Đặc biệt, trong năm 2012, với thành tích xuất sắc trong kỳ thi tay nghề quốc gia, anh Linh được lựa chọn làm đại diện của Việt Nam tham gia Hội thi tay nghề ASEAN môn ốp lát tường và sàn, anh Linh đã giành Huy chương Vàng. Tiếp đó, anh Linh nhận được chứng chỉ nghề xuất sắc thế giới tại Cộng hòa liên bang Đức.
Với những thành tích xuất sắc trong học tập, anh Nguyễn Văn Linh được Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô giữ lại làm giáo viên. Nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để anh Linh được học lên Đại học, hoàn thiện mọi yêu cầu để trở thành giáo viên cơ hữu của nhà trường.
Tốt nghiệp THPT, anh Đỗ Hữu Việt, sinh năm 1983, ở huyện Kim Sơn không thi đại học mà chọn Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình là nơi bắt đầu thực hiện ước mơ. Với thành tích xuất sắc trong học tập, anh Việt được nhà trường tạo điều kiện học hoàn thiện các kỹ năng sư phạm để chính thức trở thành một giáo viên dạy môn cơ khí. Vừa làm, vừa học, cứ miệt mài như thế trong suốt nhiều năm liền, anh Việt đạt được nhiều dấu ấn trong sự nghiệp.
Bằng kinh nghiệm và kỹ năng nghề điêu luyện, thầy giáo Đỗ Hữu Việt đã được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh tham gia các kỳ thi tay nghề giỏi cấp Bộ, cấp Quốc gia nghề cơ khí. Trong hai kỳ tham gia huấn luyện, thầy Việt đã có học sinh đạt giải nhất kỳ thi tay nghề cấp Bộ, nhiều học sinh đạt giải nhì, giải ba…
Xuất thân từ sinh viên trường nghề, thạc sỹ Đỗ Hữu Việt (áo trắng) trở thành giáo viên dạy nghề giỏi của Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình
Không chỉ thành công, tạo được nhiều dấu ấn trong công tác giảng dạy, thầy giáo Đỗ Hữu Việt còn mạnh dạn mở một xưởng hàn riêng, tạo cơ hội thực hành và việc làm cho hàng chục lao động, trong đó có nhiều em đang theo học Khoa Hàn của Trường, với mức lương từ 7-12 triệu đồng/tháng. Trưởng thành từ một học sinh của trường nghề, câu chuyện của thầy giáo, thạc sĩ Đỗ Hữu Việt còn mang lại nhiều cảm hứng cho các em học sinh đang theo học tại Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình.
Ông Lê Hùng Cường, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết: Các ứng viên muốn trở thành giáo viên dạy nghề thì họ phải đạt các tiêu chuẩn hàng đầu là trình độ chuyên môn và trình độ kỹ năng nghề. Đa số những người tốt nghiệp các trường đại học, trên đại học đều có trình độ chuyên môn rất tốt, tuy nhiên họ lại chưa có kỹ năng tay nghề phù hợp. Để họ có thể đứng lớp giảng dạy cả lý thuyết và thực hành thì sau khi tuyển dụng, nhà trường phải dành thời gian từ 2-3 năm để đào tạo lại về trình độ kỹ năng nghề, mất khá nhiều thời gian. Những năm gần đây, nhà trường rất khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em sinh viên phấn đấu, rèn luyện để có thể ở lại tham gia công tác giảng dạy sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, nhà trường có 195 giáo viên, trong đó có khoảng 20 giáo viên được tuyển dụng từ những sinh viên có kỹ năng nghề xuất sắc của nhà trường.
Đồng quan điểm với đại diện Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình, ông Lê Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô phân tích: Giáo viên dạy nghề khác với giáo viên dạy văn hóa ở chỗ, ngoài việc có kỹ năng sư phạm, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ thì giáo viên dạy nghề còn phải là một công nhân thực thụ, có tay nghề giỏi. Thực tế cho thấy, các nhà giáo đầu vào tuyển dụng là học sinh, sinh viên đạt giải cao tại các kỳ thi kỹ năng nghề, có khả năng tiếp nhận công nghệ mới trong lĩnh vực nghề nghiệp cũng rất nhanh. Do đó, sau khi hoàn thành chương trình học đại học, họ đáp ứng ngay yêu cầu giảng dạy cả lý thuyết và thực hành cũng như giảng dạy Mô đun tích hợp. Trong khi đó, nếu đối tượng đầu vào là các sinh viên tốt nghiệp đại học thì họ mới chỉ đáp ứng được yêu cầu về giảng dạy lý thuyết, ngoài ra, họ cần phải mất khoảng 2-3 năm để học và luyện tập kỹ năng nghề thì mới đảm bảo được kỹ năng nghề nghiệp.
Để các giảng viên, giáo viên đáp ứng được tiêu chuẩn dạy các chương trình chất lượng cao và đưa nhà trường trở thành trường trọng điểm chất lượng cao vào năm 2024, Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô đã và đang tập trung bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo.
Đặc biệt, nhà trường đã có nhiều chính sách khuyến khích, động viên nhằm thu hút được các sinh viên giỏi, đạt giải cao tại các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, khu vực và thế giới tham gia công tác giảng dạy như: hỗ trợ học phí học đại học, ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm; hỗ trợ chỗ nghỉ, hưởng chế độ lương tăng thêm ngay từ ngày đầu ký hợp đồng… Tuy nhiên, do thu nhập từ nhà trường thấp hơn nhiều so với thu nhập mà doanh nghiệp mời gọi các sinh viên giỏi vì vậy công tác tuyển dụng các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, nhà trường có 155 giáo viên. Số giảng viên, giáo viên là học sinh, sinh viên giỏi tại các kỳ thi chiếm khoảng 12% tổng số giảng viên và giáo viên của Trường. Trong số này có nhiều nhà giáo đã đạt giải cao tại các Hội thi Giảng viên, giáo viên giỏi cấp tỉnh, của Bộ Nông nghiệp & PTNT, cấp Quốc gia.
Trên địa bàn tỉnh hiện còn 33 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ giáo viên dạy nghề của tỉnh thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn quy định (với 5 giáo viên trình độ tiến sỹ; 349 trình độ thạc sỹ; 612 trình độ đại học). Có được đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp có chất lượng đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện chất lượng nguồn lao động trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Các cơ sở đào tạo nghề đang dần trở thành địa chỉ uy tín để các em học sinh lựa chọn theo học sau khi tốt nghiệp THCS, THPT và là địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp tìm đến khi có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực. Để trở thành "địa chỉ đỏ" trong đào tạo nghề, cung cấp cho thị trường nguồn lao động có kỹ năng tốt, các nhà trường cần nâng cao chất lượng trong giáo dục nghề nghiệp, trong đó, phải thực sự quan tâm, có chính sách và sự đầu tư đồng bộ để thu hút được đội ngũ giáo viên chất lượng cao.