Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả chính về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Đ/c Nguyễn Chí Tình: Trong thời gian qua, nhất là 10 năm gần đây, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2012 Ninh Bình đã chấp nhận đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 451 dự án với tổng nguồn vốn đăng ký đạt 82.180 tỷ đồng; trong đó: UBND tỉnh cấp giấy phép cho 257 dự án, tổng vốn đăng ký 40.243,4 tỷ đồng; Ban Quản lý các Khu công nghiệp cấp giấy phép cho 70 dự án, tổng vốn đăng ký 41.483,4 tỷ đồng; UBND các huyện, thị, thành phố cấp 124 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 453,2 tỷ đồng. Riêng năm 2013, trong bối cảnh kinh tế Thế giới suy giảm, Tỉnh cũng đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đăng ký là 5,5 nghìn tỷ đồng, trong đó có 7 dự án FDI với số vốn đăng ký là 62,69 triệu USD.Trong tổng số các dự án trên, thu hút đầu tư nước ngoài có trên 30 dự án của trên 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo các hình thức đầu tư liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài.
Phóng viên: Đồng chí cho biết định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2014 và những năm tiếp theo?
Đ/c Nguyễn Chí Tình: Với mục tiêu phát triển và sử dụng công nghệ cao và sạch, thân thiện với môi trường, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm rác thải, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược sử dụng công nghệ sạch cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đến năm 2020, các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ sạch đạt ít nhất là 50% khi cải tạo, mở rộng sản xuất hoặc thay đổi công nghệ; 100% số cơ sở sử dụng công nghệ sạch khi đầu tư mới; 50% sản phẩm của các ngành sản xuất công nghiệp là sản phẩm công nghệ sạch. Tỷ lệ tương ứng với các mục tiêu trên đến năm 2030 lần lượt là 80%, 100% và 70%. Chiến lược thu hút đầu tư của Ninh Bình đang được thực hiện theo nguyên tắc vừa phát triển công nghiệp, vừa phát triển du lịch. Tỉnh đang đề xuất thay đổi quy hoạch phát triển một số ngành vật liệu xây dựng trên địa bàn nhằm giảm thiểu tác động bất lợi tới mục tiêu phát triển du lịch. Theo đó, các vùng quy hoạch phát triển du lịch sẽ không tiếp nhận dự án công nghiệp. Các khu vực còn lại sẽ dành cho các dự án phát triển tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp trên nguyên tắc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch.
Phóng viên: Với định hướng đó, đồng chí có lời khuyên gì với các nhà đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư?
Đ/c Nguyễn Chí Tình: ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất là việc làm cấp thiết, tuy nhiên, sản phẩm đầu ra của công nghệ ấy như thế nào cũng phải được quan tâm với việc khi đã ứng dụng công nghệ sạch cho sản xuất, sản phẩm sản xuất ra theo công nghệ đó cũng phải là sản phẩm sạch, từ đó mới có thể duy trì và phát huy mạnh nhất những điểm tích cực của chiến lược này. Nghĩa là nói đến công nghệ sạch của một dự án nào đó thì không chỉ có việc trang thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường (Đất, nước, không khí) mà sản phẩm làm ra của dự án đó, nhà máy, xí nghiệp đó cũng phải đảm bảo sạch, an toàn cho người sử dụng và tiêu dùng. Phát triển công nghệ sạch là một chiến lược đúng đắn, tuy nhiên, hiện nay, rào cản lớn nhất để phát triển công nghệ sạch chính là ý thức của doanh nghiệp. Phần đông doanh nghiệp hiện nay sử dụng công nghệ chưa sạch bởi suy nghĩ rằng nếu thải thẳng chất thải ra môi trường thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn vì không phải tốn chi phí cho khâu xử lý chất thải. Song, nếu xét đến cùng, chi phí xã hội phải trả cho việc làm sạch môi trường và chi phí chữa bệnh cho người dân bị ảnh hưởng bởi môi trường không đảm bảo đó còn lớn hơn rất nhiều so với chi phí đầu tư công nghệ sạch. Vậy nên các nhà đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư nên chú trọng, tăng cường áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường để phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, đảm bảo phát triển bền vững và lâu dài!
Phóng Viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Chúc (thực hiện)