Đến thăm gia đình, chúng tôi được tận mắt chứng kiến ngôi nhà nhỏ nhắn, gọn gàng, đằng trước là vườn cây ao cá, bên tay phải có dãy chuồng nuôi lợn và nhiều loại gia cầm, thủy cầm khác nhau. "Năm 2009, vợ chồng tôi cưới nhau và ra ở riêng, khó khăn đủ bề vì cả 2 đều sinh ra trong gia đình thuần nông, vốn liếng không có, đất đai hạn hẹp, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên cái nghèo, cái khó cứ đeo bám mãi.
Lúc đầu mới có 2 vợ chồng thì không sao nhưng đến khi đứa con đầu lòng ra đời, vợ chồng tôi trăn trở, suy nghĩ nhiều lắm, không lẽ để con mình cũng phải chịu nghèo chịu khổ như mình. Thật may mắn, giữa năm 2012, thông qua tổ chức Đoàn thanh niên, gia đình tôi được vay vốn từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hoa Lư với số tiền 30 triệu đồng theo chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Có vốn, vợ chồng tôi bảo nhau sửa sang lại hơn 8 sào ao để thả cá, đồng thời xây chuồng trại, mua thêm 2 con lợn nái và hơn 100 con gà về nuôi.
Hàng ngày, tôi đi cắt cỏ về cho cá ăn rồi đi xin từng xô nước gạo, từng cây chuối để nuôi lợn" - chị Huệ tâm sự. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tích lũy và tiết kiệm tiền, đến năm 2015 vợ chồng anh chị trả được món nợ 30 triệu đồng vốn vay, sau đó lại được bình xét cho vay lại để tiếp tục đầu tư vào sản xuất và chăn nuôi. Gia đình cũng được vay vốn từ Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để cải tạo giếng nước và nhà vệ sinh.
Đến nay, sau những nỗ lực cùng sự cần cù, ham học hỏi, gia đình anh Tỉnh, chị Huệ đang sở hữu một gia trại với 100 con gà, 500 con vịt, 2 con lợn nái cùng 8 sào ao, mỗi năm cho sản lượng hơn 2 tấn cá chim trắng, thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng mỗi năm. Cuối năm 2016, gia đình anh chị được địa phương bình xét đưa ra khỏi diện hộ nghèo.
Đó là một trong số hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn huyện Hoa Lư đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Được biết, đến cuối tháng 6/2017, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đang cho hơn 500 hộ nghèo, gần 1.300 hộ cận nghèo, 200 hộ mới thoát nghèo trên địa bàn vay vốn ưu đãi của Chính phủ với tổng dư nợ trên 65 tỷ đồng. 5 năm qua đã có trên 2.900 hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn này.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hoa Lư Phạm Thị Bích Thủy khẳng định: Với nhiệm vụ phục vụ người nghèo, những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, do vậy, Phòng giao dịch xác định phải giảm tối đa các thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng nhất và tuyệt đối không để hộ nào có nhu cầu vay vốn mà không được vay.
Nhiều năm nay, đơn vị luôn duy trì tốt hoạt động điểm giao dịch tại các xã, thị trấn, thực hiện giao dịch cố định vào các ngày trong tháng. Bảng biểu về chế độ, chính sách tín dụng ưu đãi, lãi suất cho vay; dư nợ và các văn bản mới liên quan đến tín dụng chính sách đều được dán công khai.
Ngoài ra, ở các thôn còn có các tổ giao dịch lưu động để phối hợp các hội, đoàn thể tư vấn, hướng dẫn và giám sát việc sử dụng nguồn vốn. Đến nay, đa số các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống và thu nhập.
Bài, ảnh: Hà Phương