Hiện nay, đến bất cứ phường, xã nào của thị xã Tam Điệp, nhiều người bắt gặp những vườn cây cảnh, những cửa hàng SVC có chất lượng cao; đường phố, nhà truyền thống, trụ sở làm việc, cơ quan, xí nghiệp , trường học đều có những vườn hoa, chậu cảnh đẹp…
Nhiều mẫu ang, bể, đôn, chậu, kỷ, gỗ lũa… được chế tác với hàng nghìn sản phẩm mỗi năm. Nếu như năm 2003, Hội SVC thị xã mới có 64 cơ sở thì đến nay đã nâng lên 144 cơ sở. Thời gian trước đây, sản phẩm SVC phần lớn còn ở tình trạng sơ chế như: Cây phôi, cây khai thác, đá cảnh tự nhiên và phong lan rừng…, hiện nay nhiều hội viên đã tập trung vào ươm, trồng, uốn, sửa và nhập cây phôi cấp II, III về chế tác.
Sản phẩm SVC của thị xã đã có mặt ở các hội nghị, hội chợ, hội thảo, ngày bầu cử, chợ tết, hội xuân. Hội đã đưa hơn 80 tác phẩm đi trưng bày ở khu bảo tồn SVC tỉnh, khu trưng bày ở các tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh. Hàng nghìn sản phẩm của hội viên được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Có thể nói, SVC không chỉ là nghệ thuật, mà còn là nguồn thu quan trọng của không ít gia đình hội viên. Nhiều người đã có thể sống và gắn bó với nghề này lâu năm, có thu nhập cao từ SVC.
Nghề SVC ở Tam Điệp được chia làm 3 loại. Thứ nhất là những hội viên có tay nghề cao, số lượng sản phẩm tương đối lớn và sống được bằng nghề. Thứ hai là những người có tay nghề cao, chơi SVC là chính, nếu gặp khách thì bán với những giá trị sản phẩm tương đối cao. Thứ ba là những người chơi SVC vì yếu tố văn hóa, môi trường và dưỡng sinh gồm phần lớn cán bộ, công nhân viên.
Gần đây Hội đã hình thành một loạt các vườn cảnh đa sản phẩm, các bãi đá cảnh ở ga Ghềnh và 4 cơ sở cây cảnh ở phường Trung Sơn và xã Đông Sơn. Một số hội viên còn kết hợp SVC với kinh doanh nhà hàng như ông Nguyễn Văn Lữ - phường Trung Sơn và ông Nguyễn Văn Thanh - phường Bắc Sơn.
Đặc biệt, thị xã có một loại cây khá nổi tiếng vào mỗi độ Tết đến xuân về đó là cây đào phai. Loại cây này đang được phát triển mạnh mẽ ở xã Đông Sơn. Chỉ tính riêng Tết Mậu Tý vừa qua, Hội đã đưa ra thị trường hàng nghìn cành đào. Nhiều gia đình hội viên đã có thu nhập 40 - 60 triệu đồng từ cây đào phai. Ngoài trồng đào lấy hoa, phong trào ươm giống đào phai, triết ghép đào cũng phát triển ở xã Quang Sơn. Mùa xuân vừa qua, Hội đã đưa gần vạn cây giống lên đồi và các bãi đất trồng. Việc đưa những gốc đào cảnh đã được uốn sửa lên chậu đang được các hội viên của chi hội Đông Sơn thí nghiệm để nhân ra đại trà.
Cùng với việc trồng và uốn nắn cây cảnh thì việc sản xuất ang, bể, chậu, đôn, kỷ và chế tác bàn ghế đá cũng là một trong những hướng đi tích cực của các hội viên. Một số hội viên như ông Kiệm, ông Dự, ông Dũng…đã đưa ra thị trường trên 6.000 sản phẩm. Trong số đó gần một nửa là ang, bể lớn.
Có dịp vào thăm các vườn cảnh của một số hội viên, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những cơ ngơi đầy tiềm năng, khá chuyên nghiệp có giá trị từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng như ông Hàm, ông Thể, ông Dũng, ông Nhật, ông Sô…
Chơi và làm SVC ở thị xã Tam Điệp những năm gần đây đã khá phổ biến với suy nghĩ: Có nhà mới là có cây cảnh, có đường mới có cây xanh, non bộ trong cơ quan, nhà trường; hoa lan, hoa đào trong ngày tết, ngày hội lẵng hoa, con chim, cây cảnh...đang trở thành vật tặng, quà biếu, đồ lưu niệm… SVC thực sự không chỉ là một tiềm lực kinh tế mà còn đóng góp vào đời sống văn hóa chung của thị xã.
Khánh Vân