Trong 5 năm (2008-2013), thị xã Tam Điệp đã triển khai 52 dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp, trụ sở làm việc, trường học, cơ sở sản xuất, khai thác mỏ, phát triển du lịch… và phải tổ chức giải phóng mặt bằng trên 252 ha đất, ảnh hưởng đến 3.686 hộ dân. Riêng trong năm 2013, thị xã đã triển khai giải phóng mặt bằng để thực hiện 9 dự án, trong đó tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đi qua địa bàn thị xã dài 7,8 km, liên quan đến 1.518 hộ với tổng số tiền đền bù 130 tỷ 246 triệu đồng; dự án đường vành đai khu công nghiệp xã Quang Sơn; dự án đường vào nhà máy chất thải rắn Ninh Bình…
Xác định đây là những dự án trọng điểm, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng đối với thị xã mà còn ảnh hưởng đến nhiều hộ dân nên thị xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng thời phát huy quy chế dân chủ, thực hiện tốt công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng. Trước mỗi dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng, thị xã đã thông báo công khai quy hoạch chi tiết dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại trụ sở UBND xã, phường, nhà văn hóa thôn, tổ nơi có dự án đi qua. Tập trung tuyên truyền, công khai quy hoạch sử dụng đất, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân.
Việc thực hiện quy chế dân chủ còn được thực hiện thông qua các hội nghị thôn, tổ dân phố, qua đó những thắc mắc kiến nghị của nhân dân được tiếp thu và giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở. Các hộ bị ảnh hưởng bởi các dự án được các cơ quan chức năng thông tin đầy đủ về quy hoạch, phương án thu hồi đất và các chính sách về đền bù, hỗ trợ. Quá trình kiểm đếm được giám sát chặt chẽ, chi tiết; bản dự thảo áp giá đền bù được thực hiện công khai, gửi xuống từng hộ để các hộ xem và ký xác nhận. Khi có kiến nghị, thắc mắc, các thành viên của Tổ công tác giải phóng mặt bằng đến từng gia đình để tiếp thu, đối thoại, giải đáp kịp thời.
Đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền giải quyết của Hội đồng giải phóng mặt bằng, các đồng chí lãnh đạo UBND thị xã đã chủ trì, tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân để có giải pháp chỉ đạo, từng bước tháo gỡ những khó khăn. Nhờ vậy, tiến độ thi công, chất lượng công trình được bảo đảm, đem lại niềm tin cho nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Trung Phong, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tam Điệp cho biết, kinh nghiệm được thị xã Tam Điệp rút ra trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng đó là, khi lòng dân thuận thì mọi việc đều thành công, "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Trong đó, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên là nhân tố quan trọng trong công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia ủng hộ các chủ trương giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án.
Bên cạnh đó, các lực lượng tham gia giải phóng mặt bằng phải bám sát địa bàn, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt công tác dân vận. Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động trước, trong và sau giải phóng mặt bằng, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân, giải quyết triệt để những phát sinh ngay từ cơ sở.
Thực tiễn triển khai quy chế theo tinh thần Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị và các Nghị định của Chính phủ trong nhiều năm qua ở thị xã Tam Điệp đã phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân trên nhiều lĩnh vực. Từ đó tạo thêm động lực thúc đẩy và phát triển phong trào hành động cách mạng của quần chúng, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Đặc biệt thông qua quy chế dân chủ, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư ngày càng bền chặt. Từ năm 2008 đến nay, nhân dân đã đóng góp trên 3,9 tỷ đồng (trong đó hiến 4.268,3 m2, đóng góp 2.255 ngày công cùng nhiều tài sản trên đất, tiền mặt, nguyên vật liệu…) để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới.
Giờ đây về thị xã Tam Điệp nhiều người dễ nhận thấy diện mạo đô thị mới đã hình thành. Những ngôi nhà mái bằng, cao tầng đan xen với trường học kiên cố, khang trang; các trạm y tế được xây dựng chuẩn xuất hiện ngày càng nhiều; hệ thống đường giao thông thuận tiện… Sự phát triển ấy chứng tỏ rằng nguồn lực vô tận trong dân đã được khơi lên mạnh mẽ, gắn nghĩa vụ, lợi ích của người dân một cách rõ ràng.
Bài, ảnh: Đinh Ngọc