Để công tác giảm nghèo tiếp tục nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân các xã, phường, thị xã Tam Điệp đã đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về "Tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010", kiện toàn Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo từ thị xã đến cơ sở, phân công rõ trách nhiệm cho các thành viên và các quy định về chế độ công tác. Trên cơ sở kế hoạch giảm nghèo của thị xã đến năm 2010, các xã, phường đã triển khai đồng bộ các giải pháp về tạo vốn, dạy nghề, chuyển giao KHKT… cùng với sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh, của thị xã về cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng…
Đặc biệt, đối với 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao là Đông Sơn và Yên Sơn, các biện pháp giúp đỡ của tỉnh, của thị xã được tiến hành một cách kịp thời, hiệu quả. Ngay từ đầu năm 2008, công trình chợ xã Đông Sơn và Yên Sơn được sự hỗ trợ một phần kinh phí của tỉnh đã được triển khai xây dựng và hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong quý II, tạo thuận lợi cho nhu cầu giao dịch, mua bán, trao đổi các sản phẩm nông sản của người dân, là địa điểm giúp cho nhiều hộ nghèo có thêm việc làm.
Bên cạnh đó, các công trình phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại 2 xã nghèo như: Trạm bơm, đào đắp thủy lợi nội đồng… được quan tâm xây dựng, phục vụ sản xuất. Trong đó, ngân sách tỉnh và thị xã đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 4 giếng khoan với công suất 700 m3/24h phục vụ cho việc tưới nước 30 ha vườn đồi ở xã Đông Sơn, giúp cho hàng chục ha đào phai, trong đó có 48.460 m2 đào phai của 63 hộ nghèo, 15.480 m2 trồng gấc lai cao sản của 31 hộ, hơn 100 ha lúa 2 vụ… của người dân Đông Sơn đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống.
Trong phát triển kinh tế, dựa vào đặc thù địa hình và phát huy thế mạnh của mỗi xã nghèo, các mô hình nuôi con đặc sản như: Hươu, nhím, lợn mường, thỏ Niudilân, ong… đã thu hút hàng trăm hộ tham gia, trong đó có nhiều hộ nghèo. Việc phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho người nghèo được cấp ủy, chính quyền từ thị xã đến cơ sở quan tâm thực hiện. Thị xã và các xã nghèo đã chú trọng phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn mở các lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.
Trên địa bàn xã Yên Sơn, có 452 lao động được vào làm việc tại Nhà máy gạch Đại Sơn, 38 lao động làm việc tại cơ sở chế biến nông sản xuất khẩu của Công ty TNHH Thanh An…, xã Đông Sơn đã phối hợp với doanh nghiệp Thanh Thúy mở lớp đào tạo nghề chiếu cói, tạo việc làm tại chỗ cho 35 lao động với mức thu nhập bình quân 700.000 đồng/người/tháng, 15 hộ tham gia lớp học trồng nấm, 8 người đi xuất khẩu lao động …
Đặc biệt, thực hiện Đề án 02 của HĐND tỉnh về việc "Hỗ trợ xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 - 2009", xã Đông Sơn có 9 hộ nghèo, hộ chính sách có nhà dột nát được giúp đỡ xây nhà mới với tổng kinh phí là 407 triệu đồng và 550 ngày công. Xã Yên Sơn có 9 nhà được giúp đỡ xây mới, sửa chữa với tổng kinh phí 281 triệu đồng từ các nguồn ngân sách của thị xã, các đoàn thể, gia đình, dòng họ.
Cùng với số lượng nhà dột nát được hỗ trợ từ Đề án 02 của HĐND tỉnh, 2 xã nghèo Đông Sơn và Yên Sơn còn được các đơn vị quân đội, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, Hội CCB thị xã giúp đỡ xây dựng nhà mới cho các hộ nghèo, hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Xã Yên Sơn có thêm 3 hộ gia đình chính sách được giúp xây nhà mới với kinh phí trên 120 triệu đồng. Xã Đông Sơn có thêm 3 hộ nghèo, hộ chính sách được hỗ trợ xây nhà mới với kinh phí 100 triệu đồng.
Đến hết năm 2008, xã Đông Sơn có 110 hộ thoát nghèo, xã Yên Sơn có 123 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã Tam Điệp đến nay còn 4,04%. Như vậy, sau một năm phấn đấu với nhiều giải pháp quyết liệt, cụ thể, thiết thực, phù hợp, thị xã đã giúp cho 227 hộ nghèo thoát nghèo, giảm 1,7% so với năm 2007.
Bùi Diệu