Thông thường người nông dân thu hoạch xong một vụ lúa đông xuân (năm cao nhất đạt 2 tạ/sào), sau đó là để đất trắng, không thể sản xuất những vụ tiếp theo trong năm vì không có nước. Để hiểu rõ về điều này, chúng tôi đã về xã Đông Sơn để tìm hiểu. Quả đúng như vậy, nỗi vất vả, khó khăn của người nông dân khi phải sản xuất trên những vùng đất thiếu nước, khô hạn này không thể kể hết. Anh Bùi Thanh Quang, cán bộ Phòng Kinh tế thị xã cho biết: Trên chân đất này cây ngô, cây lúa phát triển kém, năng suất thấp khiến bà con nông dân không tha thiết với đồng ruộng, nhiều người đã chuyển sang làm nghề khác. Trước thực tế khó khăn trên, xã, thị xã đã có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên cơ sở có biện pháp canh tác thích hợp, góp phần khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên đất, nâng cao giá trị kinh tế, ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn.
Thực hiện Đề án của tỉnh về hỗ trợ giống lúa cao sản, vụ đông xuân vừa qua, thị xã Tam Điệp đã đưa vào gieo cấy trên 481 ha lúa cao sản, chủ yếu tập trung vào các giống: Phú ưu 1, Phú ưu 978, CNR 5104… Trong đó: Xã Yên Bình 135 ha, Yên Sơn 202ha, Đông Sơn 54 ha, phường Tân Bình 90 ha. Kết quả bước đầu đã khẳng định các giống lúa cao sản này thích hợp với vùng đất khô cằn trên địa bàn, có thể nhân rộng trên phạm vi toàn thị xã có điều kiện tương tự. Tính ưu việt của các giống lúa cao sản thể hiện ở: Cây có khả năng đẻ nhánh khỏe, phù hợp với điều kiện địa lý, có khả năng chịu hạn tốt, không bị nhiễm các loại sâu bệnh, hạt chắc, sáng đẹp, năng suất bình quân đạt từ 62 - 63,5 tạ/ha. Hầu hết các xã trên địa bàn thí điểm các giống lúa này đều cho năng suất cao; điển hình như các xã: Yên Sơn, Yên Bình... Kết quả trên đã tạo được lòng tin của người dân khi áp dụng tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, giảm chi phí và công sức lao động cho người nông dân. Tuy giống lúa cao sản đưa vào sản xuất lần đầu tiên trên địa bàn thị xã nhưng được các cấp, các ngành chỉ đạo sâu sát, tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các hộ nông dân tham gia nên đã thực hiện vượt diện tích kế hoạch và đạt kết quả tốt. Trong vụ đông xuân vừa qua, Phòng Kinh tế thị xã phối hợp với Hội nông dân, Hội phụ nữ thực hiện 9 buổi chuyển giao KHKT sản xuất lúa cao sản và 7 buổi hướng dẫn sử dụng các loại phân bón cho cây trồng cho hội viên.
Nói về những kết quả trên, anh Bùi Thanh Quang - cán bộ Phòng Kinh tế thị xã Tam Điệp nhận định rằng: Việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào nông nghiệp là một bước đột phá của thị xã. Mặc dù trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương còn lạc hậu, nhưng với kết quả thu hoạch trong vụ đông xuân vừa qua bước đầu đã khẳng định tính khả thi của dự án. Đề án hỗ trợ giống lúa cao sản của tỉnh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho vùng đất khô cằn của thị xã nói riêng và một số huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh nói chung.
Vân Anh