Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn thành phố Ninh Bình, hoạt động kinh doanh, buôn bán đã sôi động trở lại. Tại chợ Thanh Bình (phường Thanh Bình), hàng hóa được bày bán đa dạng, nhất là các mặt hàng rau, củ, quả.
Theo khảo sát của phóng viên, giá bán các loại rau xanh giảm từ 30-50% so với thời điểm cận Tết. Cụ thể: Su hào có giá bán 2.000 - 5.000 đồng/củ (giảm từ 2.000 - 4.000 đồng/củ); các loại cải ngọt, cải bẹ, cải thìa ở mức từ 9.000 - 15.000 đồng/kg; rau ăn lá khoảng 8.000 - 17.000 đồng/kg. Hiện nay, các loại rau củ đã dồi dào trở lại, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng. Các loại thực phẩm khác như thịt lợn, thịt bò vẫn giữ giá như thời điểm trước Tết. Mặt hàng thủy sản được chọn mua nhiều sau Tết để đổi món "giải ngán" sau những bữa ăn Tết chủ yếu là các món từ thịt lợn. Các loại cá nuôi được nhiều người mua như cá trắm, cá quả, cá chép đều có giá bình ổn từ 40.000- 70.000 đồng/kg, lươn từ 160.000-170.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ; mực có giá từ 140.000-200.000 đồng/kg, ngao 25.000 đồng/kg, ốc nhồi có giá từ 80.000 -100.000 đồng/kg.
Chị Thu Hương, tiểu thương ở chợ Thanh Bình cho biết, năm nay do thời tiết thuận lợi nên các mặt hàng rau xanh phát triển tốt, vận chuyển hàng hóa nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường, chính vì vậy giá cả các mặt hàng cơ bản ổn định, không có tình trạng tăng giá, sốt hàng so với thời điểm sau Tết những năm trước đây. Đặc biệt, có những mặt hàng rau xanh giảm tới 50% so với thời điểm trước Tết.
Chị Ngọc Quyên ở xã Trường Yên (Hoa Lư) cho biết: Trước đây, mỗi khi Tết đến, gia đình tôi thường tích trữ thực phẩm vì xa chợ cũng như lo sợ sau Tết khó mua. Do đó, giá thực phẩm tươi sống thường bị đẩy lên cao. Song hiện nay, gia đình tôi cũng như nhiều người bỏ dần tâm lý tích trữ đồ ăn ngày Tết, chỉ mua đủ lượng thực phẩm phục vụ nhu cầu trong dịp Tết nhằm đảm bảo chất lượng, vì từ mùng 2 Tết, các chợ đã bán đầy đủ các mặt hàng tươi, ngon.
Cùng với các chợ truyền thống, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện lợi, dịch vụ vui chơi giải trí đều mở cửa đón khách từ mùng 2 Tết với nhiều món đặc sản các vùng miền phục vụ bữa cơm sum họp gia đình trong ngày đầu xuân. Đồng thời đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, kích thích nhu cầu mua sắm của người dân. Về cơ bản giá bán các mặt hàng tại siêu thị ổn định so với thời điểm trước Tết âm lịch do hệ thống các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung dồi dào, không tăng giá theo thị hiếu tiêu dùng sau Tết.
Theo ghi nhận, thời gian trước, trong và sau Tết, tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Nhu cầu của người dân và sức mua các loại hàng hóa thiết yếu tăng từ 20-30% vào những ngày cận Tết và trong Tết nên giá cả các mặt hàng tăng trung bình khoảng 10%. Để đảm bảo thị trường hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt trong dịp Tết, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra về chất lượng, giá cả hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.
Tiến hành khảo sát, dự tính nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, đồng thời có phương án định hướng tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ thị trường đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến để kiềm chế sự tăng giá cũng như hạn chế tối đa sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp làm giảm áp lực tăng giá cho các mặt hàng, góp phần giữ giá hàng hóa - dịch vụ trên địa bàn tỉnh ổn định. Sau Tết, lực lượng quản lý thị trường cũng tiếp tục thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là đối với việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa hết hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, nâng giá hàng hóa, đảm bảo thị trường lưu thông ổn định, giá cả hợp lý.
Bài, ảnh: Tiến Đạt