Đồng chí Đặng Viết Mong, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thịnh cho biết: Được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã, Đảng ủy, UBND thị trấn xác định đây là vinh dự, là cơ hội để tạo ra những thay đổi trong đời sống xã hội, nhưng khó khăn và thách thức cũng không nhỏ. Vấn đề quan trọng là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách tiếp cận của đội ngũ cán bộ, công chức và sự tham gia tích cực của mỗi người dân.
Vì vậy, trong quá trình triển khai, thị trấn tập trung chỉ đạo và yêu cầu cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, nhất là chủ động, tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công nghệ thông tin. Đồng thời tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân để người dân hiểu được thế nào là chuyển đổi số và chuyển đổi số mang lại những lợi ích gì, từ đó thay đổi nhận thức và tham gia hiệu quả vào các nhiệm vụ chuyển đổi số cấp xã.
Để triển khai thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã, UBND thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Hàng tháng, Ban chỉ đạo tổ chức đánh giá kết quả tổ thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn, kịp thời đề ra giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân việc thực hiện các nội dung mô hình, trọng tâm là các nội dung liên quan đến đời sống nhân dân như: nền tảng số phục vụ công tác quản lý, dạy và học trên địa bàn; chăm sóc sức khỏe từ xa trong cộng đồng; phát triển kênh tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh thanh toán điện tử...
Đồng chí Trịnh Thị Dung, công chức Tư pháp chia sẻ: Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, tôi đã tích cực nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của tỉnh, huyện và của thị trấn; chủ động tìm hiểu các ứng dụng công nghệ để nắm bắt các kỹ năng và nâng cao khả năng tiếp cận với các nền tảng công nghệ số để áp dụng vào thực tiễn công việc của bản thân. Trên cơ sở đó tích cực tham mưu cho lãnh đạo trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo chính xác, khoa học, tạo sự hài lòng cho người dân.
Trong quá trình giao tiếp với người dân, ngoài việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn như: tư pháp, hộ tịch, tôi còn thường xuyên hướng dẫn người dân tích cực tham gia thanh toán phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính qua quét mã QR; thực hiện giao dịch giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công… đảm bảo công khai, minh bạch và giảm phiền hà cho người dân.
Nhằm bảo đảm hạ tầng công nghệ phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, thị trấn đã rà soát, đầu tư nâng cấp hệ thống mạng internet đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, ổn định và an toàn, giúp cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả. Đến nay, 100% cán bộ, công chức của thị trấn đều được trang bị máy tính có kết nối internet, được cấp chứng thư số chuyên dùng và được cấp hộp thư điện tử công vụ. 100 % hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình (cán bộ tiếp nhận - lãnh đạo kí duyệt - văn thư đóng dấu - trả kết quả).
Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, lãnh đạo thị trấn theo dõi được thông tin thời gian giải quyết, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, qua đó giảm thiểu tình trạng trậm trễ hồ sơ, gây khó khăn cho người dân, nhất là một số thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực quan trọng.
UBND thị trấn tích cực chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để người dân hiểu lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, trong đó có việc nộp hồ sơ trực tuyến thông qua dịch vụ công trực tuyến. Do đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đã đạt trên 21%. Các hồ sơ nhận trực tuyến được giải quyết đảm bảo đúng thời gian, trình tự theo quy định, không để xảy ra tình trạng hồ sơ trễ hạn, gây bức xúc cho công dân đến giao dịch.
Đến nay 90% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức trên địa bàn thị trấn Yên Thịnh đã được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số Vpostcode; 100% các trường học trên địa bàn thị trấn đã phối hợp với đơn vị cung cấp ứng dụng sử dụng các phần mềm của công ty quản lý, dạy và học như: phần mềm quản lý cán bộ; sổ liên lạc điện tử. Bên cạnh đó, các trường trên địa bàn thị trấn đều có kênh giao tiếp giữa trường và phụ huynh học sinh thông qua các trang thông tin điện tử, trang facebook, zalo. Theo thống kê, có khoảng 2.000 người dân thị trấn có điện thoại thông minh được cài đặt phần mềm "công dân số". Từ việc triển khai này, theo thống kê sơ bộ hiện có khoảng 70% dân trên địa bàn thị trấn tiếp cận, sử dụng dịch vụ nền tảng công nghệ số.
Chị Lê Thị Nhẫn, tổ dân phố Cổ Đà cho biết: Được tuyên truyền về chuyển đổi số, tôi đã biết đến nhiều hơn những tiện ích từ công nghệ, đó là những tiện ích khi thanh toán không dùng tiền mặt; là những kênh thông tin đa dạng, nhiều chiều từ các lớp học của con; là sự minh bạch thông tin từ phía chính quyền địa phương về các dự án giải phóng mặt bằng, kế hoạch phát triển kinh tế thông qua trang thông tin điện tử… Mặt khác, tôi nhận thấy thực hiện chuyển đổi số, chính quyền thị trấn đã tăng cường lắp đặt hệ thống camera an ninh tại trụ sở UBND xã, điều này tạo sự minh bạch, nâng cao ý thức của người dân cũng như đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ.
Nhận thức về chuyển đổi số từng bước được nâng lên, người dân thị trấn Yên Thịnh đã tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số và trải nghiệm những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại. Họ đã trở thành những nhân tố tích cực góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn. Cũng từ triển khai thực hiện thí điểm chuyển đổi số đã góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, năm 2021 thị trấn Yên Thịnh là địa phương thuộc tốp đầu xếp hạng CCHC của huyện Yên Mô.
Bài, ảnh: Mai Lan