Năm nay, thí sinh cả nước sẽ thi 4 môn, trong đó Toán và Ngữ văn là 2 môn thi bắt buộc. Các môn tự chọn còn lại gồm: Ngoại ngữ, Sử, Địa, Lý, Hóa và Sinh. Riêng hai môn Ngữ văn và Lịch sử sẽ thi theo hình thức tự luận. Thời điểm này, các em học sinh trên địa bàn tỉnh đang cân nhắc lựa chọn môn thi tốt nghiệp theo khả năng của mình. Qua khảo sát tại một số trường THPT, số học sinh chọn môn Sử trong các môn tự chọn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT là không nhiều.
Tại Trường THPT Yên Mô B, kết quả đăng ký bước đầu của 425 học sinh khối lớp 12 cho thấy, môn Vật lý, Hóa học chiếm tỷ lệ "đầu bảng" trong số các môn thi tự chọn; nhóm cuối thuộc môn Địa lý và Lịch sử. Thầy Phạm Hữu Trí, Hiệu trưởng nhà trườngcho hay: Bước đầu có gần 40 học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử, đây là kết quả không bất ngờ đối với nhà trường, bởi chủ yếu đó là những em đăng ký thi khối C, D đại học.
ở Trường THPT Hoa Lư A, số học sinh lớp 12 đăng ký chọn thi Sử cũng không nhiều như những môn tự chọn khác. Theo thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Khánh, trong số 385 học sinh đăng ký môn thi tự chọn tốt nghiệp, môn Vật lý chiếm tỉ lệ cao nhất, tiếp đến là Hóa, Sinh, Địa, Anh văn. Môn Sử chiếm tỷ lệ ít nhất, chỉ có khoảng 30 em đăng ký chọn. Đấy là kết quả đăng ký bước đầu, còn thời gian các em có thể thay đổi nguyện vọng và các giáo viên cũng như nhà trường sẽ tạo điều kiện để các em chọn đúng nguyện vọngcủa mình….
Còn thầy giáo Lê Quốc Trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A thì cho biết: Trường đang chờ quy chế hướng dẫn cụ thể cho học sinh cuối cấp đăng ký. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát bước đầu, xu hướng lựa chọn khối thi Đại học của học sinh nhà trường những năm gần đây chủ yếu là khối A, A1, chiếm tới trên 80%, do đó chắc chắn số thí sinh lựa chọn môn thi tốt nghiệp thuộc khối C, nhất là môn Sử sẽ rất ít…
Em Nguyễn Thị Ngọc, học sinh lớp 12, Trường THPT Yên Mô B lý giải: Môn Lịch sử thuộc dạng tự luận, đòi hỏi học thuộc nhiều sự kiện, mốc thời gian, nên em cũng như nhiều bạn e ngại. Trong khi đó, các môn còn lại thuộc dạng trắc nghiệm, dễ kiếm điểm hơn, do đó chúng em thường chọn môn Lý, Hóa, Sinh... để thi nhằm đảm bảo độ ăn chắc.
Chị Lê Thu Hà, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) có con học lớp 12 chia sẻ: Con tôi có năng khiếu về môn Văn nên từ năm lớp 10 cháu đã xác định ôn thi đại học khối C. Cháu cũng học khá các môn xã hội nên đăng ký môn thi tự chọn là môn Sử và Địa. Nhưng theo cháu cho biết thì cả trường chỉ có hơn 20 cháu đăng ký thi môn Lịch sử. Trước tình hình quá ít học sinh chọn thi môn học này, tôi lo con mình sẽ thiệt thòi vì trường khó có thể tổ chức ôn thi chu đáo, có khi phải ghép với các hội đồng thi của các trường khác thì rất vất vả và phức tạp…
Thầy Nguyễn Trọng Khánh, Hiệu Trưởng trường THPT Hoa Lư A chia sẻ: Phương thức đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT năm nay tạo nhiều thuận lợi cho học sinh. Không chỉ rút số lượng môn thi, học sinh còn được lựa chọn 2 môn theo năng lực, sở trường của mình. Tuy nhiên, cái khó là đến giờ vẫn chưa có quy chế cụ thể, khiến nhiều trường lúng túng trong việc ôn thi tốt nghiệp theo cách mới. Hiện, Trường THPT Hoa Lư A cũng đã lên kế hoạch tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho cả 8 môn. Giáo viên nhà trường cũng có tư vấn, định hướng cho học sinh, nhưng trước mắt chủ yếu để các em tự ôn tập.
Thầy Lê Quốc Trưởng, Hiệu phó Trường THPT Yên Khánh A, thông tin: "Nhà trường hiện đang cho các em đăng ký chọn môn thi cùng sự tư vấn, định hướng của giáo viên. Việc chọn môn thi sẽ căn cứ vào học lực của học sinh ở lớp 12 và khối thi tuyển sinh đại học. Lý giải về nguyên nhân của việc học sinh chọn thi môn Lịch sử thấp, theo thực tế ở Trường THPT Yên Khánh A, do hiện nay phần lớn thí sinh dự thi đại học quan tâm đến khối A, A1, B, D. Đối với khối C, tỷ lệ thí sinh khá thấp nên việc có ít học sinh chọn môn Lịch sử dự thi tốt nghiệp THPT cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc không chọn môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng xuất phát từ thực tế hiện nay, trong cách giảng dạy môn sử, cách ra đề thi, khối lượng kiến thức dài… nên chưa hấp dẫn học sinh. Hơn nữa, việc ra đề thi về cơ bản vẫn là trình bày lại diễn biến này, sự kiện kia trong đó yêu cầu thí sinh phải nhớ chi tiết, vì vậy học sinh sợ nếu phải thi môn này… Để tránh tình trạng chọn môn thi theo phong trào, nhà trường tư vấn các em nên chọn môn thi mà mình thấy tự tin nhất. Hiện các môn thi bắt buộc là Văn và Toán nhà trường đã bắt đầu triển khai tăng tiết ôn tập. Sau khi học sinh chọn xong hai môn thi tự chọn, trường sẽ căn cứ vào kết quả đăng ký để tổ chức các lớp ôn tập khác nhau…".
Mặc dù còn một tháng nữa mới hết hạn đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT 2014 (từ ngày 17-3 đến 17-4) và đến đầu tháng 6 mới diễn ra kỳ thi tốt nghiệp nhưng học sinh và các nhà trường vẫn đang còn nhiều lúng túng, băn khoăn trước những đổi mới trong kỳ thi lần này của Bộ GD&ĐT. Và việc không nhiều học sinh chọn Lịch sử là môn tự chọn cho thấy, nguyên nhân chính vẫn là do những ngành học khối C (văn, sử, địa) đã giảm mạnh trong những năm gần đây do xu thế phát triển của xã hội, học xong ra trường khó xin việc làm.
Nguyên nhân nữa là do chương trình dạy môn Sử trong các nhà trường vẫn quá nặng nề, có quá nhiều sự kiện, con số, mốc thời gian, tên nhân vật để buộc học sinh nhớ một cách máy móc, không những không thu hút mà còn làm các em sợ hãi khi phải học, phải thi …
Do đó, việc quá ít học sinh, chỉ vào khoảng 10-15% học sinh chọn Lịch sử làm môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp ở hầu hết các trường THPT là điều tất yếu mà nhiều nhà trường, những người làm giáo dục đã tiên đoán trước…
Mặc dù đồng tình với phương án thi tốt nghiệp 4 môn (trong đó có 2 môn tự chọn) của Bộ GD&ĐT nhưng lãnh đạo nhiều trường THPT vẫn cho rằng, Bộ nên nghiên cứu các giải pháp thực hiện cho lộ trình thi tốt nghiệp THPT lâu dài, bền vững. Việc cho học sinh tự chọn môn thi đang gây không ít khó khăn cho các trường THPT trong việc tổ chức ôn tập và tiến tới tổ chức các hội đồng thi tốt nghiệp vào tháng 6 tới...
Bài, ảnh: Hạnh Chi