Sẽ không có Hoa hậu ở vùng, miền, ngành, cấp tỉnh
Một lần nữa, dự thảo quy chế lại phải định danh lại cho tên gọi của các cuộc thi hoa hậu. Theo dự thảo cuộc thi có phạm vi toàn quốc được gọi tên là Hoa hậu.
|
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006 |
Các cuộc thi trong phạm vi vùng, miền, ngành và cấp tỉnh sẽ có hai hướng: đơn vị tổ chức căn cứ mục đích, ý nghĩa để đặt tên cuộc thi và danh hiệu cho người đoạt giải thưởng hoặc có thể gọi chung một danh hiệu là hoa khôi.
Tuy nhiên, trong thực tế đã, đang và sẽ diễn ra là trong một năm có nhiều cuộc thi trong phạm vi toàn quốc thì nghiễm nhiên người đẹp đăng quang vẫn được gọi là Hoa hậu. Nếu như vậy thì việc mỗi năm có nhiều hoa hậu khác nhau vẫn chưa thể hạn chế được.
Hoặc nếu chỉ quy định cho mỗi năm có một cuộc thi hoa hậu toàn quốc thì Việt Nam sẽ vẫn rơi vào sự lúng túng khi phải chọn thí sinh dự thi những đấu trường quốc tế lớn như: Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Quốc tế.
Những ý kiến tại Hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện "Quy chế Tổ chức thi hoa hậu" thì hầu hết các đại biểu, đại diện cho các cơ quan quản lý, các đơn vị tổ chức và có liên quan tới hoạt động thi hoa hậu đều tỏ rõ mong muốn hãy trả lại tên cho các cuộc thi bởi mỗi cái tên nó là nét đặc trưng văn hóa của từng vùng miền và tiêu chí nội dung của từng cuộc thi như: Người đẹp Hà Nội, Người đẹp Tây Đô, Người đẹp xứ Đoài, Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long, Nữ hoàng trang sức...
NSND Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng: "20 năm (kể từ 1988) với 40 cuộc thi hoa hậu là một số lượng không nhỏ nhưng cũng không phải đã quá "bội thực" so với nhu cầu. Tuy nhiên lại có quá nhiều danh xưng hoa hậu!".
|
Cuộc thi Hoa hậu Trang sức 2007 |
Đơn vị tổ chức sẽ phải có trách nhiệm với người đẹp khi đăng quang
Thi hoa hậu là hoạt động văn hóa tôn vinh người phụ nữ nhưng từ thực tế các cuộc thi gần đây, nhiều người lo ngại, loại hoạt động này đang ngày càng mang màu sắc thương mại, biểu hiện rõ nét trong sự phô diễn lộ liễu của các nhà tài trợ, các vụ scandal mua danh, bán giải.
Hơn thế, thi hoa hậu là một cuộc chơi "xa xỉ", đơn cử như cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 tiêu tốn 9 tỷ đồng. Chính vì vậy, điều kiện với đơn vị tổ chức có phần chặt chẽ hơn trong dự thảo lần này.
Đơn vị muốn tổ chức không những có tư cách pháp nhân mà còn được xem xét tới yếu tố tài chính, đó là phải có tài khoản thế chấp tại ngân hàng và cam kết đảm bảo tài chính để tổ chức cuộc thi.
Đồng thời để nâng cao tầm chuyên nghiệp cho các cuộc thi, đơn vị tổ chức sẽ phải có chức năng tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng như kinh nghiệm tổ chức các sự kiện văn hóa lớn, được công chúng thừa nhận.
Hạn chế lớn nhất của quy chế chính là sự thiếu vắng các chế tài cụ thể trong việc xử lý vi phạm. Đây chính là nguyên nhân khiến các nhà chức trách lúng túng trước một loạt những sự cố xảy ra tại cuộc thi Hoa hậu trang sức như việc thí sinh phải chờ rất lâu để được nhận giải thưởng hoặc thí sinh chưa đủ hồ sơ dự thi.
Dự thảo quy định các bản sao hồ sơ của các thí sinh vòng chung kết cuộc thi gửi về cơ quan cấp phép để theo dõi.
|
Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 đã tiêu tốn 9 tỷ đồng |
Việc trao giải thưởng cho thí sinh đoạt giải trong thời hạn 3 ngày sau khi kết thúc cuộc thi. Để tránh việc "vừa đá bóng vừa thổi còi", trưởng ban tổ chức sẽ không được làm trưởng ban giám khảo.
Đơn vị tổ chức cần có trách nhiệm quản lý người đẹp trong thời gian đăng quang, báo cáo định kỳ hoạt động của các hoa hậu, người đẹp với cấp có thẩm quyền, đối với những trường hợp vi phạm, BTC có quyền tước danh hiệu.
Dự thảo cũng chặt chẽ hơn khi quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đó là việc đặt tên cuộc thi không đúng với phạm vi tổ chức và vi phạm các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Người đạt danh hiệu cuộc thi có quyền và nghĩa vụ gì?
Điều kiện cho thí sinh dự thi hoa hậu vẫn được giữ nguyên từ 18 tuổi trở lên và có quy định thêm: "Có trình độ văn hóa trung học phổ thông trở lên". Hồ sơ đăng ký dự thi và sơ yếu lý lích phải được chính quyền địa phương hoặc cơ quan, tổ chức nơi thí sinh đang công tác xác nhận.
Sự ràng buộc trách nhiệm không chỉ ở đơn vị tổ chức mà chính các người đẹp đoạt danh hiệu cũng sẽ phải thực hiện những nghĩa vụ như cam kết đối với Ban tổ chức cuộc thi, các quy định của Luật Thuế và quy định pháp luật có liên quan.
Thí sinh đoạt giải nhất, nhì của cuộc thi trích 20% tiền thưởng để ủng hộ quỹ xã hội, từ thiện trong đêm đăng quang. Trong thời gian giữ danh hiệu, phải tham gia các hoạt động xã hội từ thiện theo quy định của đơn vị tổ chức.
|
Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy tích cực tham gia các hoạt động xã hội và từ thiện |
Thực tế rằng sau rất nhiều cuộc thi, trách nhiệm của người đẹp sau khi đăng quang rất mờ nhạt. Một số người đẹp tham gia làm từ thiện nhưng chưa có tính chất tự nguyện và mức độ cũng rất khiêm tốn. Những điểm mới này sẽ giúp cho hoạt động thi hoa hậu có hiệu quả xã hội hơn và nâng giá trị của danh hiệu và hình ảnh của người được đăng quang.
Quy chế tổ chức thi hoa hậu đã điều chỉnh được một số những điểm chưa phù hợp đối với hoạt động thực tiễn của thi hoa hậu với những chế tài cụ thể.
Tuy nhiên, kể từ khi soạn thảo cho tới khi công bố Quy chế, các nhà soạn thảo nên tiếp tục tham khảo ý kiến của các cơ quan có trách nhiệm và hoạt động trong lĩnh vực này để làm sao có được một Quy chế cụ thể hơn, mang tính pháp lý cao hơn.
Theo Văn Hóa