Để phong trào thi đua đi vào thực chất
Để các phong trào thi đua trong CNVCLĐ ngày càng đi vào thực chất, từ năm 2013 Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 03 về "Nâng cao chất lượng tổ chức, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động". Đúng như tên gọi của Nghị quyết, việc tổ chức, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước từng bước được đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương thức theo hướng thiết thực, hiệu quả. Theo đó, mỗi phong trào được phát động trên cơ sở xác định được đối tượng thi đua, điều kiện khách quan, chủ quan, nội dung thi đua, lập kế hoạch theo dõi, kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân, lồng ghép yếu tố thi đua vào các nhiệm vụ chuyên môn. Các cấp công đoàn cũng chủ động tham mưu, đề xuất, tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự giúp đỡ, phối hợp của chính quyền, chuyên môn và người sử dụng lao động để phát động, ký giao ước thi đua, tổ chức thực hiện phù hợp với tính chất, đặc điểm công việc ngành nghề tại từng cơ quan, đơn vị, từ đó tạo khí thế thi đua sôi nổi. Đồng thời chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn tạo điều kiện khuyến khích về vật chất, tinh thần để CNVCLĐ tích cực nghiên cứu đề tài, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiếp thu và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào học tập, công tác và lao động sản xuất.
Theo đồng chí Lê Đình Việt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh: Cùng với các giải pháp đó, chúng tôi xác định thi đua phải xuất phát từ lợi ích tập thể và lợi ích người lao động, như vậy mới tạo được sức lan tỏa sâu rộng của mỗi phong trào. Các cấp công đoàn cũng thường xuyên phối hợp tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, nội dung của Nghị quyết, tầm quan trọng của công tác thi đua. Trong 5 năm, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 5 lớp tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng và hội nghị tập huấn phần mềm quản lý công tác thi đua khen thưởng cho 500 lượt người tham gia… Bên cạnh đó, công tác khen thưởng luôn được quan tâm, coi trọng, đặc biệt là việc khen thưởng đối với công nhân lao động trực tiếp.
Tạo sức lan tỏa sâu rộng
Hàng năm, với cách làm linh hoạt và khoa học, các phong trào thi đua hành động cách mạng trong CNVCLĐ được phát động gắn với việc thực hiện Nghị quyết 03 như phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Thi đua học tập nâng cao trình độ, học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để hội nhập và phát triển"…
Với phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo các cấp công đoàn đã huy động được đông đảo lực lượng cán bộ, đoàn viên công đoàn và doanh nghiệp hưởng ứng tham gia với quyết tâm tìm ra cái mới để cải tiến điều kiện môi trường làm việc nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong công tác. 5 năm qua đã có 271 công trình, sản phẩm được đăng ký thực hiện, trong đó có 122 công trình, sản phẩm cấp tỉnh có giá trị kinh tế xã hội cao; có gần 9 nghìn đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa được ứng dụng vào sản xuất và công tác, làm lợi và tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng…
Với khẩu hiệu "Chất lượng và dịch vụ là yếu tố quyết định tạo nên thương hiệu cho doanh nghiệp", phong trào thi đua trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả rõ nét. ở đó cán bộ, CNVCLĐ đã tập trung phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất; đồng thời thực hành tiết kiệm, giảm chi phí quản lý, định mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng để nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị… Nhiều điển hình đã xuất hiện, trong đó phải kể đến sáng kiến "Giải pháp hướng tuyến thông xe trước 6 tháng dự án kết nối tuyến đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình với Quốc lộ 1A", "Một số giải pháp chống chìm cho thuyền, đò chở khách trên sông, hồ tỉnh Ninh Bình" của các tác giả đến từ Sở Giao thông - Vận tải. Phong trào thi đua trong lĩnh vực y tế, giáo dục lại được cụ thể hóa bằng các phong trào như "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học", "Nâng cao y đức", "Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ người bệnh"… đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học. Qua đó đã có hàng nghìn sáng kiến cấp cơ sở được công nhận, trong đó có 200 đề tài, sáng kiến được công nhận cấp tỉnh và 38 tác giả được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo.
Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong các cơ quan hành chính cấp tỉnh đến cơ sở được gắn với Cuộc vận động "Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng thực thi công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức". Đến nay các cơ quan, đơn vị đã tổ chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan công quyền, từng bước khắc phục tình trạng quan liêu. Thông qua cuộc vận động, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên rõ nét, nhân dân tin tưởng, đánh giá cao sự đổi mới và chỉ đạo của tỉnh. Phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ, học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để hội nhập và phát triển cũng được tổ chức rộng rãi ở các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh. Trong 5 năm qua, đã có 487 đồng chí được cử đi học các lớp sau đại học, hơn 4.600 đồng chí được cử đi học đại học, cao đẳng; gần 5.000 đồng chí được học cao cấp và trung cấp lý luận chính trị…
Đào Duy