Thể hiện trách nhiệm của nhà báo với xã hội, cộng đồng
Chủ Nhật, 21/06/2020, 01:54
Zalo
Có lẽ, với những người làm báo, được tiếp xúc, gặp gỡ nhiều nhân vật, đối tượng... ở khắp các địa phương trong tỉnh là cơ hội mà ít có nghề nghiệp nào có được. Chính bởi đặc thù này mà nhiều hoàn cảnh kém may mắn đã có cơ hội được giúp đỡ, hỗ trợ, kết nối thông qua "kênh" thông tin từ các cơ quan báo chí...
Thể hiện trách nhiệm của nhà báo với xã hội, cộng đồng
Còn nhớ cách đây 5 năm, một lần sau chuyến tác nghiệp tại xã Yên Đồng (huyện Yên Mô), Phương Loan, phóng viên Đài PT-TH tỉnh đã chia sẻ với tôi về trường hợp em Phạm Thị Linh, học sinh lớp 9 bị ung thư xương. Câu chuyện về nghị lực của cô bé mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn ham học, nỗ lực vượt qua bệnh tật đã làm tôi lưu tâm nhiều ngày. Kể chuyện cho bạn bè, chúng tôi đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và ngay sau đó, một số tiền nhỏ hàng tháng được gửi qua phóng viên Phương Loan với mong muốn động viên cô bé Linh chữa bệnh...
Một thời gian sau, khi thấy sức khỏe của Linh đã ổn định, chúng tôi lại bàn nhau tìm hiểu việc lắp chân giả cho em để em có cơ hội đến trường thuận tiện hơn. Sau buổi gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nhận được sự đồng ý từ đồng chí Giám đốc Sở, chúng tôi đã cùng gia đình đưa Linh đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Tam Điệp để khám và lắp chân giả. Kể từ đó đến nay, đã 5 năm nhưng giữa gia đình cô bé Linh và các phóng viên vẫn duy trì được mối quan hệ thân tình. Chúng tôi thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm, trò chuyện về cuộc sống.
Với những người làm báo, dường như hành trình tác nghiệp của nhiều người luôn gắn với các hoàn cảnh kém may mắn cần sự giúp đỡ. Tại Báo Ninh Bình, chính từ việc phát hiện và kết nối các trường hợp khó khăn từ cơ sở đến với các tấm lòng nhân ái mà chuyên mục "Nhịp cầu nhân ái" trên báo in và "Tấm lòng vàng" trên báo điện tử được ra đời. Mỗi nhân vật trong các chuyên mục được xuất bản là phóng viên phụ trách chuyên mục đó lại bận rộn với các cuộc điện thoại, gặp gỡ để kêu gọi, vận động thêm các nguồn lực từ các tấm lòng hảo tâm.
Như trường hợp cô bé Nguyễn Thị Hồng Nhung, học sinh Trường THPT Nho Quan C sau khi thông tin về căn bệnh hiểm nghèo của em được chia sẻ trên Báo Ninh Bình, gia đình đã nhận được sự ủng hộ hơn 160 triệu đồng từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cả trong và ngoài tỉnh. Cũng từ thông tin tại 2 chuyên mục của Báo Ninh Bình mà 2 trường hợp là bà Đinh Thị Doan ở xóm Nội, xã Khánh Lợi (huyện Yên Khánh) và chị Đinh Thị Hường ở xóm Nam, xã Ninh Giang (Hoa Lư) nhiều năm qua nhận được sự hỗ trợ hàng tháng từ nhóm độc giả của Báo Ninh Bình ở Hà Nội....
Phóng viên Thanh Hải trao quà cho nhân vật trong chuyên mục "Vòng tay nhân ái". Ảnh: PV
Trong hành trình tác nghiệp, phóng viên Trần Thanh Hải, phòng Biên tập Phát thanh và Thông tin điện tử, Đài PT-TH tỉnh cũng có nhiều kỷ niệm với những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. Thanh Hải tâm sự: Khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo giao là thực hiện chuyên mục "Vòng tay nhân ái", cô cũng thấy trăn trở. Bởi nhiều hoàn cảnh quá éo le, cần nhiều sự giúp đỡ vượt qua "khuôn khổ" của sự hỗ trợ từ chuyên mục. Sau mỗi chuyến khảo sát hoàn cảnh nhân vật, phóng viên thực hiện chuyên mục đã đưa thông tin lên mạng xã hội để kêu gọi, vận động ủng hộ. Rồi những người tham gia làm chương trình tích cực kêu gọi thêm các câu lạc bộ thiện nguyện, các nhà hảo tâm, khán giả xem Đài...
Do đó, có nhiều trường hợp đã nhận được sự ủng hộ kinh phí vài chục triệu đồng, giúp cho họ vượt qua được khó khăn của hoàn cảnh, bệnh tật. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Tâm ở xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh) có hoàn cảnh hết sức đáng thương khi chồng và con trai bị bệnh thần kinh, con dâu là trụ cột lao động chính trong nhà lại không may mất do tai nạn giao thông. Mọi lo toan, gánh nặng cuộc sống đổ lên vai người phụ nữ nông thôn chất phác, thật thà và không còn trẻ. Làm chuyên mục về, Hải và các đồng nghiệp đã xúc động, nung nấu ý định vận động thêm các nguồn lực để giúp đỡ gia đình họ. Trường hợp này đã nhận được sự ủng hộ kinh phí gần 40 triệu đồng, giúp gia đình có thêm điều kiện để lao động, sản xuất...
Trong suốt quá trình thực hiện chuyên mục "Vòng tay nhân ái", các đồng nghiệp Đài PT-TH tỉnh vẫn luôn "thầm" cảm ơn sự sẻ chia, ủng hộ của nhiều khán giả. Đó là một anh công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Khánh Phú đã dành dụm 30.200.000 đồng đem tặng các hoàn cảnh khó khăn trong chuyên mục. Đó là một bác cán bộ hưu trí chuyên mục nào cũng dành một số tiền nhỏ để gửi quà, hỏi thăm động viên... Đó còn là các doanh nghiệp, tổ chức luôn đồng hành với chuyên mục "Vòng tay nhân ái" của Đài từ năm 2007 đến nay như: Phòng khám đa khoa Hoa Lư- Hà Nội, Khách sạn Hoàng Sơn, Viettel Ninh Bình, Công ty cổ phần dược phẩm Vũ Duyên...
Với nhiều nhà báo, được làm "cầu nối" để đưa những tấm lòng nhân ái đến với những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống không chỉ là "cái duyên" mà nghề nghiệp mang lại mà qua việc thực hiện các hoạt động thiện nguyện, mỗi nhà báo còn thể hiện rõ trách nhiệm của bản thân với xã hội, cộng đồng. Nghề báo chính vì lẽ đó mà có thêm nhiều ý nghĩa trong hành trình tuy vất vả nhưng nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của khán giả, bạn đọc.