Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thảo luận, cho ý kiến về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Ban Chấp hành Trung ương nhận định: Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của cả xã hội, sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý, nhà khoa học, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng về quy mô, chất lượng giáo dục các cấp; công tác quản lý; đội ngũ nhà giáo… Tuy nhiên, chất lượng giáo dục và đào tạo nhìn chung còn thấp, nhất là đào tạo đại học và dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực; công tác quản lý còn nhiều bất cập…
Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước, của toàn dân và là quốc sách hàng đầu, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên và đi trước. Mục tiêu cốt lõi của giáo dục và đào tạo là hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực con người Việt Nam. Phải đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc nhận thức và tư duy về giáo dục và đào tạo; về công tác quản lý giáo dục; về nội dung, phương pháp giáo dục; hình thức và phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục; cơ chế, chính sách đầu tư tài chính. Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân thành hệ thống giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và công tác truyền thông phục vụ đổi mới giáo dục. Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục. Khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước.
Đồng chí Lê Văn Toại, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho rằng, Đảng và Nhà nước đã rất thẳng thắn và xác đáng khi nói về những yếu kém cơ bản của ngành Giáo dục nước nhà, đồng thời khẳng định: "Cần chấm dứt đào tạo chạy theo thành tích… chất lượng giáo dục thật sự chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là giáo dục toàn diện, giáo dục đạo đức, khả năng tự học, tự nghiên cứu, trình độ ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, khả năng thực hành, khả năng giao tiếp trong công việc của người học còn hạn chế; phương pháp dạy học còn lạc hậu, xa rời thực tiễn… Đến nay, ngành Giáo dục vẫn chưa giải quyết được mối quan hệ giữa tăng quy mô và nâng cao chất lượng… Đào tạo chạy theo thành tích, không thực chất và chạy theo bằng cấp…".
Theo đồng chí Lê Văn Toại, hơn hai chục năm qua, Đảng đã nêu ra một loạt quan điểm về giáo dục theo đường lối đổi mới kinh tế - xã hội, trong đó khẳng định: "Giáo dục và đào tạo, cùng với khoa học và công nghệ, là quốc sách hàng đầu", "Coi đầu tư cho giáo dục là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho giáo dục đi trước và phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế - xã hội"... Qua thời gian và thực tế nhìn lại, những quan điểm đúng đắn đó mới dừng ở nhận thức ban đầu, chưa được cụ thể hóa và quán triệt đầy đủ trong hành động, do vậy, giáo dục chưa thực sự chuyển biến. Hiện nay, tình trạng yếu kém, lạc hậu về giáo dục đang là nỗi bức xúc của cả xã hội và là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự yếu kém, lạc hậu trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Vừa qua, Đại hội XI của Đảng đặt vấn đề: "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục", qua đó có thể khẳng định, Đảng đã nhận thấy sự cấp bách và bức xúc của vấn đề này. Theo tôi, muốn chuyển biến căn bản và toàn diện thì nhất thiết phải cải cách giáo dục. Cải cách giáo dục để thay đổi, chuyển hệ thống giáo dục sang một mô hình mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Gần cả cuộc đời gắn bó với giáo dục, từ một nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, nay lại làm công tác khuyến học, khuyến tài, theo tôi, điều cốt lõi rất cần phải nhấn mạnh lúc này là dạy và học làm người, không nên lấy thi cử và bằng cấp làm chất lượng để đánh giá. Dù mỗi cấp học có mục tiêu cụ thể khác nhau nhưng mục tiêu số một là phải phát triển nhân cách, cốt lõi của nguồn nhân lực có chất lượng. Bởi vì những phẩm chất như lòng nhân ái, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân, lương tâm nghề nghiệp, thái độ hợp tác trong lao động... chính là những yếu tố hết sức cần thiết ở một con người, bất kể là làm nghề gì, ở vị trí nào trong xã hội. Tất nhiên, xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người là nhiệm vụ của toàn xã hội, nhưng nhà trường phải đóng vai trò tiên phong và nền tảng.
Trao đổi về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế", đồng chí Trần Quang Ánh, Phó Giám đốc thường trực Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm học 2012-2013 là năm thứ 2 ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về "Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam". Về mặt nhận thức, liên tục qua nhiều Đại hội, Đảng đã đặt giáo dục và đào tạo thành "Quốc sách hàng đầu". Trên thực tế, hệ thống giáo dục của nước ta nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng đã đạt được những bước tiến lớn, đáng kể, không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu nhìn thẳng vào sự thật, thì những kết quả đó mới chỉ là so sánh "ta với ta của ngày hôm qua", còn nếu so với yêu cầu đặt ra thì thực sự chưa đạt yêu cầu.
Có thể nhận thấy một thực tế hiện nay, khi xem xét cả hệ thống giáo dục, vấn đề hết sức cấp thiết là tình trạng mất cân đối giữa ba bộ phận chính: Giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Giáo dục phổ thông là nền tảng của cả hệ thống giáo dục quốc dân và là bắt đầu của quá trình học suốt đời. Hiện nay, cách tiến hành phổ cập còn nặng tính hình thức, hai cấp tiểu học và trung học cơ sở chưa bảo đảm cho mọi công dân đạt được một trình độ giáo dục tối thiểu cần thiết để hưởng sự công bằng về cơ hội phát triển. Về giáo dục nghề nghiệp, chúng ta nói rất nhiều đến việc phân luồng sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông, nhưng đến nay, hàng năm vẫn có trên 90%, thậm chí nhiều nơi là 100% học sinh tốt nghiệp THPT mong chờ và hướng vào đại học. Như vậy có thể thấy, cùng với việc phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm, rất cần nâng cấp hệ thống giáo dục nghề nghiệp để đạt chất lượng cao trong đào tạo và có sức thu hút thế hệ trẻ vào học nghề, đi làm nghề...
Hiện nay, ngành Giáo dục đang chuẩn bị xây dựng chương trình giáo dục mới. Đây là công việc hết sức khó khăn, bởi vì muốn có chương trình mới cần phải đổi mới quan niệm về sứ mạng và mục tiêu giáo dục, về kiến thức và kỹ năng, về cách dạy và cách học, để chọn ra được những nội dung đích thực là phổ thông, đích thực là cơ bản. Để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Đại hội XI của Đảng, mục tiêu đặt ra là cần đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học theo định hướng "Coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học của học sinh" ở tất cả các cấp học. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, trong đó có trình độ năng lực, chế độ chính sách phù hợp. Cần đổi mới quản lý giáo dục, trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới về cán bộ quản lý và cơ chế quản lý. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục và xây dựng xã hội học tập. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả cả về dạy chữ, dạy nghề, dạy người. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự giám sát của các đoàn thể nhân dân đối với tiến trình đổi mới giáo dục, đào tạo…
Hạnh Chi