Những bất cập từ thực tiễn
Hiện nay, việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện ở các nội dung: Liên kết cung ứng đầu vào; liên kết chuyển giao tiến bộ KHKT và liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.
Các nội dung liên kết này được thực hiện theo hai phương thức là thỏa thuận bằng miệng và theo hình thức hợp đồng.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, hiện sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được sản xuất ra đã cơ bản đáp ứng tiêu dùng và ổn định lương thực cho người dân.
Có khoảng 70% sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi được tiêu thụ nội tỉnh, 30% còn lại được tiêu thụ ở các tỉnh lân cận như: Nam Định, Hà Nội, Quảng Ninh; 60% sản phẩm thủy hải sản tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, 40% được cung cấp cho các thị trường lân cận thông qua các thương lái.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản phần lớn vẫn do nông dân tự "xoay sở" tìm đầu ra và cảnh "được mùa, rớt giá" là điều không tránh khỏi.
Trên lĩnh vực trồng trọt, đã có một số doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng với các HTX nông nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào (giống, phân bón) để các HTX chỉ đạo các hộ sản xuất theo đơn đặt hàng, sau đó các doanh nghiệp thu mua sản phẩm của người dân. Song, số doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ không nhiều.
Có thể kể tên một số doanh nghiệp đang tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản như: Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình; Doanh nghiệp Mạnh Thùy ở xã Văn Hải (Kim Sơn); Công ty Giống cây trồng Trung ương và Công ty Giống cây trồng 1…
Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân thông qua các HTX như: Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang và Công ty Giống cây trồng Trung ương (thu mua lúa tươi); DNTN Hương Nam (thu mua nấm các loại); Công ty cổ phần á Châu (thu mua một số loại rau, củ, quả)…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện chỉ có một số trang trại, hộ chăn nuôi có quy mô lớn mới ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp để thu mua, sơ chế, chế biến sản phẩm.
Trong lĩnh vực thủy sản, có 4 cơ sở nuôi tôm công nghiệp tại vùng nước lợ Kim Sơn đã liên kết ký hợp đồng trực tiếp với 2 nhà máy sản xuất thức ăn là Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam và Công ty TNHH Grobest để được cung ứng thức ăn trực tiếp từ nhà máy, vì vậy các cơ sở nuôi tôm này được hưởng các chế độ ưu đãi của nhà máy như đại lý cấp 1.
Việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã phần nào giúp người dân ổn định được đầu ra, từng bước thay đổi tập quán trong sản xuất và kinh doanh từ nhỏ lẻ manh mún, lạc hậu sang sản xuất có tổ chức, theo quy hoạch, áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật tiến bộ. Đồng thời giảm dần việc sản xuất tự phát, dẫn đến sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra bị dư thừa, gây tổn thất cho nông dân.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động liên kết trong thời gian qua cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập như: Các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ. Trong khi đó, sự liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã, thương lái còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau.
Vì hợp đồng liên kết chưa ổn định, chưa hình thành hợp đồng dài hạn, chủ yếu là hợp đồng miệng nên tính pháp lý thấp. Nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định.
Theo một số doanh nghiệp, khi tham gia vào chuỗi liên kết, doanh nghiệp muốn có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người dân đã tự ý phá vỡ hợp đồng, gây tổn thất cho doanh nghiệp. Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang (Yên Khánh) là một ví dụ điển hình.
Ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Công ty này cho biết: Mặc dù Công ty chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lúa giống cho nông dân các xã Khánh Cường (Yên Khánh) trên cơ sở họ phải tuân thủ quy trình kỹ thuật của công ty, đó là thực hiện gieo cấy theo phương pháp truyền thống để không bị lẫn các loại giống lúa.
Nhưng khi một số nơi trong huyện thực hiện gieo sạ bằng máy thì các nông dân đã ký hợp đồng trước đó với Công ty không chịu thực hiện phương pháp gieo cấy, vì lý do chi phí gieo sạ thấp hơn nhiều so với công cấy, đòi doanh nghiệp phải hỗ trợ thêm. Khi không được phía công ty chấp thuận, họ đã tự phá vỡ hợp đồng, không sản xuất lúa giống cho công ty nữa.
Cũng theo ông Quang, tuy đã thực hiện chính sách dồn điền, đổi thửa nhưng vẫn manh mún, số lượng hộ lớn nên rất khó hình thành liên kết bền vững giữa người sản xuất với doanh nghiệp.
Liên kết bền vững - đâu là giải pháp?
Trước những khó khăn, bất cập trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Mục tiêu chính là tạo mối liên kết bền vững thông qua các hợp đồng kinh tế để tiến hành sản xuất chuyên môn hóa, nhằm khai thác tốt tiềm năng của từng vùng liên kết, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập của các bên liên kết.
Theo đó, Ninh Bình lựa chọn các sản phẩm chủ lực để khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ thông qua hợp đồng như: Lúa chất lượng cao, chanh leo, ngô ngọt, hành các loại, nấm, thanh long, na, cây dược liệu; các sản phẩm từ chăn nuôi: Dê, lợn, gia cầm, trứng; các sản phẩm từ thủy sản: cá nước ngọt (cá trắm đen, cá rô phi đơn tính...), tôm, ngao.
Các nhóm giải pháp được đề xuất, đó là: Tuyên truyền; ứng dụng khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng vào sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực quản lý cho phù hợp với trình độ lao động địa phương.
Trong đó, nhóm giải pháp về chính sách hỗ trợ sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được xem là đòn bẩy thu hút các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết.
Để thực hiện nhóm giải pháp này, ngành nông nghiệp đang trình UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân khi có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (hỗ trợ giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi...); hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (hệ thống tưới, chuồng trại, điện, giao thông...) cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung...
Nhóm giải pháp tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực quản lý cho phù hợp với trình độ lao động ở địa phương được thực hiện trên hai khâu đột phá đó là sản xuất và thị trường; nâng cao năng lực cho người quản lý và lao động.
Các giải pháp cụ thể được tiến hành trong thời gian tới, đó là tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác quản lý Nhà nước; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh (khóa XIII) đã thông qua Nghị quyết về việc "Ban hành quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020".
Đây cũng được xem là giải pháp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2015-2020.
Thực tế, tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa người sản xuất và doanh nghiệp, ngoài nguyên nhân từ phía người sản xuất thì cũng có một phần từ phía doanh nghiệp, đó là họ chưa thực sự quan tâm đến lợi ích thỏa đáng của người sản xuất.
Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lỏng lẻo trong mối quan hệ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay.
Vì vậy, để tạo mối liên kết bền vững, thiết nghĩ, ngoài xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia, người sản xuất cũng phải chủ động chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, đảm bảo chữ tín cho chính mình.
Về phía các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm, quan tâm đến quyền lợi, lợi ích của người sản xuất, đồng thời xây dựng chiến lược từ sản xuất đến kinh doanh, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định.
Ngoài ra, Nhà nước, nhà khoa học cũng cần nâng cao hơn nữa vai trò định hướng, tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ từng bước giải quyết những bất cập trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện nay, góp phần phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững.n
Mai Lan