"Vì lợi ích trước mắt và lâu dài của đất nước và quê hương, phải thực sự coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu nhằm bồi dưỡng nhân lực, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, duy trì và phát triển GD-ĐT phù hợp với tình hình mới, cân đối và đồng bộ giữa các ngành học, cấp học trên địa bàn. Có chính sách thỏa đáng khuyến khích thầy dạy giỏi, trò học giỏi". ý Đảng, lòng dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của thời cơ, vận hội mới, sự nghiệp phát triển GD-ĐT Ninh Bình nói chung, nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi nói riêng, đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tạo được những thành tựu ngày càng khởi sắc.
Năm học 1991 - 1992, Ninh Bình chỉ có 1 giải ba quốc gia môn Toán lớp 5. Từ năm học 1992 - 1993, năm học đầu tiên Ninh Bình được tái lập đến năm học 1997 - 1998 (sau năm học này Bộ GD-ĐT không tổ chức thi học sinh giỏi lớp 5 và lớp 9 nữa), ngành GD-ĐT Ninh Bình đã liên tục tham gia dự thi học sinh giỏi quốc gia lớp 5 (môn Tiếng Việt và Toán) và lớp 9 (3 môn: Văn, Toán, Vật Lý). Trong 6 năm dự thi, lớp 5 có 106 học sinh đạt giải (15 giải nhất, 38 giải nhì, 31 giải ba, 22 giải khuyến khích). Lớp 9 có 76 học sinh đạt giải (2 giải nhất, 11 giải nhì, 28 giải ba, 35 giải khuyến khích). Số lượng giải, chất lượng giải, tỷ lệ đạt giải năm sau cao hơn năm trước. Năm đầu tiên dự thi có 19 giải (12 giải nhì, 5 ba, 2 khuyến khích) đến năm học 1995 - 1996, năm bản lề của hai kế hoạch 5 năm có 34 học sinh đạt giải (1 giải nhất, 9 nhì, 14 ba, 10 khuyến khích). Năm học 1997 - 1998 có 39 học sinh đạt giải (6 nhất, 12 nhì, 13 ba, 8 khuyến khích). Sự ổn định và không ngừng phát triển của chất lượng học sinh giỏi quốc gia lớp 5 và lớp 9 vừa thể hiện sự vững chắc của chất lượng tiểu học và THCS, vừa góp phần tạo nên chất lượng của THPT.
Thành tựu học sinh giỏi quốc gia lớp 12 của ngành GD-ĐT Ninh Bình từ năm học 1992 - 1993 đến năm học 2006 - 2007 cũng thể hiện rõ chất lượng giáo dục Ninh Bình trong 15 năm qua.
Năm học 1992 - 1993, Ninh Bình mới có 3 đội dự thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 là Văn, Toán và Hóa. Năm đầu tiên ra quân, đội Hóa đạt 2 giải (1 giải ba, 1 giải khuyến khích). Môn Văn, Toán chưa đạt giải. Năm 1993 - 1994 có thêm 2 đội tham gia là Tin học và Sinh học. Đến năm 1994 - 1995 có thêm 3 đội dự thi: Lý 12, Anh 12, Pháp 12. Và từ năm học 1996 - 1997, Ninh Bình dự thi đủ 11 môn Bộ GD-ĐT tổ chức thi.
Trong 15 năm tham gia thi HSG quốc gia lớp 12, Ninh Bình đã có 556 học sinh đạt giải ở tất cả 11 môn: 16 giải nhất, 111 giải nhì, 238 giải ba và 191 giải khuyến khích.
Môn Hóa, năm nào cũng đạt giải. Trong tổng số 76 giải có 2 giải nhất, 19 giải nhì, 38 giải ba, 17 giải KK. Đặc biệt có 2 giải quốc tế: năm 2001 em Phạm Thị Nam Bình được tặng bằng khen và năm 2003 em Nguyễn Thị Thu Hà đạt giải ba - Huy chương đồng. Môn Toán có 47 giải (7 nhì, 20 ba, 20 KK); môn Văn có 55 giải (1 nhất, 2 nhì, 35 ba, 17 KK). Năm 1993 - 1994, đội tuyển Sinh học mới ra quân. Trong 14 năm dự thi, đội Sinh học có 73 giải quốc gia (2 giải nhất, 10 giải nhì, 35 giải ba, 26 giải KK). Có 2 giải quốc tế: Em Phạm Việt Phương đạt giải nhì (Huy chương bạc) năm 1997 và em Nguyễn Tuấn Anh đạt giải ba (HC đồng) năm 2002.
Cùng với môn Sinh, môn Tin học trong 14 lần dự thi, năm nào cũng có giải. Có 78 lượt học sinh đạt giải (5 nhất, 30 nhì, 26 ba, 17 KK).
Đến năm học 1994 - 1995 có thêm 3 đội dự thi là: Vật lý, Anh văn, Pháp văn. Trong 13 năm dự thi, đội Vật lý có 48 giải (3 nhì, 14 ba, 25 KK); Anh văn có 15 giải (3 nhì, 2 ba, 10 KK); Pháp văn có 53 giải (4 nhất, 20 nhì, 16 ba, 13 KK).
Đến năm học 1996 - 1997 tham gia dự thi thêm các môn Nga văn, Lịch sử, Địa lý. Trong 11 năm dự thi, môn Tiếng Nga đạt 38 giải (2 nhất, 11 nhì, 15 ba, 10 KK), môn Lịch sử 41 giải (4 nhì, 18 ba, 11 KK) và môn Địa có 32 giải (2 nhì, 9 ba, 21 KK).
Năm học 2006 - 2007, thi HSG quốc gia của Bộ GD-ĐT có nhiều thay đổi nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đích thực của tài năng trẻ. Mỗi đội tuyển dự thi chỉ có 6 học sinh (những năm trước 8 học sinh). Ninh Bình có 66 học sinh dự thi, có 37 học sinh đạt giải (6 giải nhì, 13 giải ba, 18 giải KK). Thoạt nhìn, số lượng, chất lượng giải so với những năm trước có vẻ giảm sút. Nhưng đặt trong tương quan chung của cả nước, kết quả đạt được của Ninh Bình cũng rất đáng tự hào. Ninh Bình là một trong 11/71 đơn vị dự thi đủ cả 11 môn. Tỷ lệ học sinh đạt giải của Ninh Bình là 56,06%, đứng thứ 20/71 đơn vị trong cả nước.
So với các tỉnh cùng khu vực, cũng như cả nước, số lượng, chất lượng HSG quốc gia trong 15 năm qua của Ninh Bình là rất đáng phấn khởi, tự hào. Giải qua các kỳ thi không phải là tiêu chí duy nhất để thẩm định chất lượng giáo dục, nhưng những con số đó tự nó nói lên rất nhiều.
Trước hết, kết quả HSG quốc gia thể hiện tiềm năng trí tuệ và khát vọng khuyến học, khuyến tài của một miền quê. Không có truyền thống, không có tiềm lực không dễ gì tạo được một hiệu quả chất lượng vững chắc như vậy. Nói vậy là để nhận thức cho rõ mối quan hệ giữa quá khứ - hiện tại - tương lai trong việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng.
15 năm tham gia dự thi HSG quốc gia lớp 12, các đội dự thi đều có giải, chứng tỏ một cái nền vững chắc của giáo dục phổ thông. Chất lượng mũi nhọn vừa là sự kết tinh, vừa là sự phản ánh của chất lượng đại trà. Do đó, qua chất lượng mũi nhọn, ta thấy được chất lượng đại trà, và muốn có chất lượng vững chắc không thể không đầu tư chất lượng đại trà.
Qua kết quả xuất sắc của một số môn liên tục đạt giải và có chất lượng cao, cũng cho thấy vai trò quyết định của giáo viên trong khâu phát hiện, tuyển chọn năng khiếu của học sinh và quá trình tự học, tự bồi dưỡng, nhiệt tình say mê trong giảng dạy, bồi dưỡng HSG của người giáo viên.
15 năm qua, giáo dục- đào tạo Ninh Bình đạt được nhiều thành tích xuất sắc, trong đó có thành tích bồi dưỡng HSG. Tiềm năng, truyền thống, thời cơ là những nhân tố rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Qua thực tiễn giáo dục- đào tạo nói chung, kết quả bồi dưỡng HSG nói riêng, chúng ta thấy rõ: chưa bao giờ "sự nghiệp trồng người" được Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình quan tâm, đầu tư như những năm qua.
Trong nhiều năm tìm hiểu những học sinh đã đạt giải cao trong các kỳ thi, tìm hiểu trao đổi với những giáo viên có thành tích xuất sắc trong bồi dưỡng HSG cho thấy: Để có được một HSG, một tài năng trẻ là sự hợp lực của gia đình - nhà trường - xã hội, là sự chăm lo, đầu tư, chỉ đạo của Đảng bộ và nhân dân.
Cảnh Nguyễn