Ông Đinh Huy Hiệu, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Tam Điệp cho biết: Năm 2016, thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường triển khai xây dựng, hoàn thành xong công tác dồn điền, đổi thửa của 5 xã, phường: Yên Bình, Tân Bình, Yên Sơn, Quang Sơn, Đông Sơn với tổng diện tích trên 1 nghìn ha. Công tác chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng các tuyến đường giao thông nội đồng, đào đắp mới và nạo vét các tuyến kênh mương dẫn nước cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ cho sản xuất.
Từ kết quả công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, nhiều khu ruộng cao, trũng được san đều, đồng ruộng bằng phẳng, đẹp hơn so với trước đây, do đó năng suất, sản lượng lúa tăng lên.
Đến nay, 100% diện tích được cơ giới hóa trong khâu làm đất, 80% diện tích lúa gieo thẳng, 90% diện tích được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, kết hợp với việc chuyển đổi cơ cấu giống, đưa những giống lúa có năng suất, chất lượng cao thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất đã góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Vụ đông xuân năm 2017, năng suất lúa của thành phố đạt 64 tạ/ha, cao hơn 2,48 tạ/ha so với năm 2016; vụ mùa đạt 45 tạ/ha, cao hơn 7 tạ/ha so với vụ mùa năm 2016.
Bên cạnh đó, trên địa bàn có khoảng 70ha diện tích đất ruộng trũng, xen kẹt được chuyển đổi sang các mô hình kinh tế trang trại, cấy lúa kết hợp với nuôi thủy sản, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư, phát triển theo hướng kinh tế trang trại.
Đến nay, toàn thành phố có 45 trang trại và 112 gia trại. Hàng năm góp phần giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động thường xuyên và gần 1.000 lao động thời vụ, doanh thu bình quân hàng năm của các trang trại trên 1 tỷ đồng/trang trại/năm.
Đặc biệt, 100% hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đã ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng kháng sinh sai quy định, chất tạo nạc, chất cấm và các chất không được phép sử dụng trong chăn nuôi. Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 605 ha, trong đó diện tích nuôi cá vụ 489,2 ha, diện tích ao hồ 116,5 ha.
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 37/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, Thành ủy, UBND thành phố Tam Điệp đã xây dựng Chương trình hành động và kế hoạch về phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Năm 2017, thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tuyên truyền nội dung các văn bản của tỉnh, thành phố về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và thực hiện một số chương trình, dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản như: Mô hình ứng dụng tưới tiết kiệm trong trồng cây ăn quả vùng đồi; hỗ trợ sản xuất giống lợn bản địa, đảm bảo an toàn sinh học, mô hình sản xuất lợn ỉ, lợn lai Móng Cái tại xã Đông Sơn, dự án chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao, nuôi mô hình cá rô phi đơn tính theo hướng VietGAP tại xã Yên Sơn... Với tổng kinh phí hỗ trợ cho các dự án là 1,3 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, thành phố Tam Điệp tiếp tục giao cho Phòng Kinh tế phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan tiến hành rà soát tình hình thực tế và nhu cầu của từng địa phương, xây dựng kế hoạch, đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ một số chương trình, mô hình, dự án về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn trong năm 2018.
Tam Điệp đang từng bước quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thí điểm mô hình, từng bước mở rộng sản xuất sản phẩm nông nghiệp bằng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ.
Ngoài việc ưu tiên hỗ trợ về cơ chế, chính sách, thành phố Tam Điệp sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, tiếp cận ứng dụng công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản.
Ngoài ra, thành phố sẽ kết nối với các doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ đầu vào và các trung tâm thương mại, cửa hàng tiêu thụ nông sản thực phẩm để tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ và bảo vệ uy tín của sản phẩm.
Nguyễn Thơm