Một tuần nay, ngày nào chị Nguyễn Thị Hằng, cán bộ thú y xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp cũng đến từng hộ chăn nuôi lợn để nắm bắt tình hình cũng như thông tin chính xác, kịp thời cho nhân dân biết về diễn biến tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Chị Hằng cho biết: Yên Sơn là một địa bàn trọng điểm về chăn nuôi của thành phố Tam Điệp, đồng thời cũng là điểm nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra dịch bệnh như H5N1 hay lở mồm, long móng… Về đàn lợn, hiện toàn xã có khoảng 200 con lợn nái và trên 2.000 con lợn thịt, chủ yếu được bà con chăn nuôi dưới hình thức nông hộ, nhỏ lẻ, do vậy nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.
Trước tình hình đó, chị đã tham mưu cho chính quyền xã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp với đài truyền thanh xã thường xuyên phát các bài tuyên truyền để người dân biết về mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng như các biện pháp phòng chống.
Qua nắm bắt, nhìn chung các hộ chăn nuôi đều có ý thức cao trong công tác phòng dịch, thực hiện tốt việc phun thuốc khử trùng tiêu độc định kỳ hàng tuần. Thời điểm này, đa phần bà con chưa tái đàn nên nguồn con giống từ nơi khác nhập vào địa bàn hầu như không có.
Anh Ninh Xuân Thao, một hộ chăn nuôi lợn ở thôn Đoài Khê, xã Yên Sơn chia sẻ: Mấy ngày nay, tôi liên tục nghe tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã về bệnh dịch tả lợn châu Phi, cũng đôi chút lo lắng bởi gia đình nuôi nhiều lợn (gần 100 con cả lợn nái và lợn thịt).
Tuy nhiên, với cách kiểm soát chặt chẽ: việc ra rào, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", dù xe chở cám hay xe mua lợn đều bắt buộc phải dừng ở ngoài hành lang bảo vệ của trại; hoạt động chăn nuôi được thực hiện theo biện pháp an toàn sinh học, nuôi trên đệm lót sinh học; con giống tự cung tự cấp, thức ăn tự phối trộn; phun thuốc khử trùng tiêu độc 2 lần/tuần… thì tôi cũng khá yên tâm.
Thành phố Tam Điệp hiện có tổng đàn lợn gần 19 nghìn con, trong đó có 3.500 con nái và 83 con đực giống được nuôi tại 46 trang trại, 145 gia trại và hàng nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, thành phố cũng có trên 150 cơ sở giết mổ lợn.
Trước tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt khi tại Thanh Hóa, địa phương giáp ranh với Tam Điệp đã công bố có dịch, UBND thành phố Tam Điệp đã khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch.
Theo đó, ngày 23/1, thành phố đã ra quyết định về việc kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở động vật, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đồng thời có văn bản 149/UBND-KT ngày 25/2 về việc triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Ông Đinh Huy Hiệu, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Phòng đang chủ trì, phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y cũng như các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại cơ sở.
Giám sát chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; hoạt động buôn bán, giết mổ động vật, vệ sinh thú y, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm và công khai danh tính, địa điểm của các cơ sở cố tình vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Song song với đó, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát dịch bệnh, nhất là nơi có nguy cơ cao, vùng giáp ranh với các tỉnh bạn, nơi buôn bán, giết mổ, tập kết, trung chuyển lợn, vùng bị lũ lụt, ngập úng.
Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, không mua bán các loại con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Tổ chức triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè năm 2019 để tạo miễn dịch chủ động. Tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, khi lợn ốm phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương, không giấu dịch, không vứt xác lợn ốm, chết, bán chạy lợn ốm, chết làm dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Được biết, hiện công an thành phố Tam Điệp đang chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung điều tra, theo dõi, nắm bắt, cập nhập danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động mua bán, vận chuyển, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm từ lợn nhập khẩu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép, từ đó có các biện pháp đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Đội quản lý thị trường số 4 cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Hà Phương