7 tháng năm 2018, giá trị sản xuất CN - TTCN của thành phố Tam Điệp ước đạt 594,3 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp quốc doanh đạt 64,1 tỷ đồng, đạt 94,1%; giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 166,6 tỷ đồng, đạt 92,3% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 366,6 tỷ đồng, tăng 19,7%. Các sản phẩm đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2017 như: Thép, giày các loại, quần áo may sẵn, chế biến rau quả xuất khẩu... để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, thành phố đã tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất, tiếp cận vốn, thủ tục hành chính thông thoáng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Hàng năm, thành phố đều tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp nhằm khuyến khích, động viên, biểu dương các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường bình đẳng...
Với những chính sách đồng bộ, thành phố đã thực hiện tốt công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 2 khu công nghiệp là Tam Điệp 1 và Tam Điệp 2.
Toàn thành phố có trên 400 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp, hàng năm thu hút và giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động với thu nhập ổn định. Đến nay, nhiều dự án được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả, đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và vùng lân cận, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố và của tỉnh.
Các sản phẩm chủ lực là: xi măng, thép, rau quả sạch, may mặc, nguyên phụ liệu ngành may mặc, giày da, trang thiết bị y tế… đã và đang có mặt ở thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu. Nổi bật là Công ty xi măng Tam Điệp, Nhà máy xi măng Hướng Dương, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây lắp Tam Điệp, Công ty giầy Adora, Nhà máy may mặc xuất khẩu Phoenix, Công ty thép Kyoei...
Tam Điệp đang trên chặng đường trở thành thành phố công nghiệp, chính vì vậy thành phố đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu xây dựng quy hoạch, đưa sản xuất công nghiệp vào khu tập trung. Quy hoạch khu công nghiệp gắn với việc quy hoạch xây dựng đô thị và yếu tố phát triển lâu dài, bền vững, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời khuyến khích thu hút các dự án đầu tư, nhất là các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch đầu tư vào Khu công nghiệp. Khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát huy hiệu quả sản xuất những ngành nghề truyền thống của Ninh Bình đã được khẳng định trên thị trường, như hàng cói xuất khẩu, đồ mộc mỹ nghệ, cơ khí sửa chữa… Chú trọng phát triển những ngành nghề gia công, chế biến phục vụ công nghiệp và sản xuất hàng mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu và du lịch.
Bên cạnh các cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư, thành phố Tam Điệp cũng tăng cường công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với việc bảo vệ môi trường, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp. Đồng thời thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị "Về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".
Bài, ảnh: Bảo Yến