Thành phố Tam Điệp: Đơn vị thí điểm xây dựng mô hình "Chính quyền số cấp huyện"
Thứ Bảy, 27/08/2022, 04:07
Zalo
Là đơn vị đầu tiên của tỉnh được chọn triển khai thí điểm mô hình "Chính quyền số cấp huyện" từ giữa năm 2021. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, thành phố Tam Điệp đã thực hiện được 6/14 mục tiêu trong mô hình. Kết quả bước đầu là tiền đề quan trọng để thành phố nỗ lực tiếp tục hoàn thành mô hình để đến năm 2023 trở thành chính quyền số thông minh, hiện đại.
Thành phố Tam Điệp: Đơn vị thí điểm xây dựng mô hình "Chính quyền số cấp huyện"
Xác định mỗi cá nhân là nhân tố quan trọng trong quá trình triển khai chuyển đổi số tại địa phương, đồng chí Trương Công Thắng, công chức văn phòng - thống kê phường Bắc Sơn luôn tích cực học hỏi nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.
Đồng chí Trương Công Thắng cho biết: Được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường về thực hiện chuyển đổi số. Cán bộ, công chức phường đã tích cực tiếp cận về công nghệ thông tin, tuyên truyền cho người dân về các dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích công cộng của phường, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn phường.
Đồng chí Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn cho biết: Được chọn là đơn vị thí điểm chuyển đổi số cấp xã, phường đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đưa sản phẩm đặc trưng của xã lên sàn giao dịch điện tử. Sau hơn 1 năm triển khai, Bắc Sơn đã cơ bản số hóa trên các lĩnh vực xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.
Theo kế hoạch của thành phố Tam Điệp, năm 2021, phường Bắc Sơn được chọn triển khai thực hiện mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã. Năm 2022, thành phố tiếp tục đề xuất và kiến nghị với tỉnh tiếp tục thực hiện xây dựng mô hình chính quyền số cấp xã tại 4 đơn vị, gồm các phường: Trung Sơn, Tân Bình, Tây Sơn và xã Quang Sơn. Mục tiêu đến hết năm 2023, phấn đấu hoàn thành xây dựng mô hình chính quyền số cấp xã tại 4 đơn vị còn lại, gồm các phường Nam Sơn, Yên Bình và các xã: Đông Sơn, Yên Sơn.
Đồng chí Nguyễn Văn Dương, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, UBND thành phố Tam Điệp cho biết: Để triển khai mô hình, UBND thành phố Tam Điệp đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, UBND các phường, xã triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.
Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả phường Bắc Sơn (thành phố Tam Điệp).
Thành phố đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp Trung tâm một cửa liên thông thành phố đầy đủ, đồng bộ về máy móc, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Bố trí cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn phù hợp tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý.
Thiết lập phòng họp không giấy tờ tại UBND thành phố (đã tạo lập và sử dụng thử nghiệm dịch vụ Hệ thống). Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) thành phố phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo. Hoàn thành nâng cấp mạng nội bộ (LAN); trang bị, nâng cấp thiết bị tại Trung tâm Một cửa liên thông thành phố và các phòng, ban, đơn vị thuộc UBND thành phố.
Hoàn thiện việc thiết lập và nâng cấp hệ thống phòng họp trực tuyến tại Thành ủy, UBND thành phố, Nhà Văn hóa thành phố và tại các phường, xã nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố tới cơ sở.
UBND thành phố đã hoàn thành số hóa hồ sơ tài liệu kết quả giải quyết TTHC giai đoạn 2016-2021; hiện đang đề nghị tổ chức số hóa hồ sơ tài liệu kết quả giải quyết TTHC từ năm 2015 trở về trước. Triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố theo Đề án 06.
100% cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương được cấp và sử dụng hệ thống Thư điện tử công vụ (mail.ninhbinh.gov.vn) trong hoạt động công vụ và hoàn thành đăng nhập Hệ thống xác thực tập trung (SSO) của tỉnh. Đã tạo lập được 51 tài khoản trên hệ thống, đã có 82 lượt báo cáo…
Thành phố Tam Điệp cũng tích cực đẩy mạnh việc phát triển các ứng dụng dịch vụ số trên nhiều lĩnh vực quản lý nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức như lĩnh vực bảo hiểm xã hội, tư pháp-hộ tịch, căn cước công dân, bảo trợ xã hội… Tại UBND thành phố và UBND các phường, xã đã triển khai và sử dụng chữ ký số trong giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp.
Từ ngày 1/1/2022, Trung tâm 1 cửa liên thông thành phố và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các phường, xã đã sử dụng hóa đơn điện tử thanh toán phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố tiếp nhận tổng số 9.018 hồ sơ TTHC, đã giải quyết 8.914 hồ sơ, đạt 98,84%, trong đó hồ sơ giải quyết mức độ 4 là 5.962 hồ sơ, đạt tỷ lệ 66,8%.
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin được quan tâm, chú trọng. UBND thành phố thường xuyên thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống thông tin thành phố, như ban hành các văn bản cảnh báo lỗ hổng bảo mật, đe dọa gây mất an ninh, an toàn thông tin trên địa bàn thành phố, đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp thích hợp bảo vệ hệ thống thông tin của đơn vị.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính quyền số, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã thiết lập các kênh tương tác nhằm tuyên truyền các nội dung thực hiện chuyển đổi số trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo… Tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt gần 50% dân số toàn thành phố.
Từ kết quả bước đầu, hiện thành phố đang đẩy mạnh thực hiện 8/14 mục tiêu còn lại, phấn đấu năm 2023 hoàn thành các tiêu chí mô hình đề ra: 100% văn bản (trừ văn bản mật) được trao đổi trên môi trường điện tử và ký số; 100% dịch vụ công được đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 80% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố; 80% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và đưa vào khai thác hiệu quả…