Đổi mới trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ
Xác định công tác luân chuyển cán bộ là việc làm cần thiết nhằm tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực công tác, thời gian qua, Thành ủy Ninh Bình đã đẩy mạnh công tác điều động, luân chuyển cán bộ từ thành phố về các xã, phường và ngược lại.
Đặc biệt, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, tháng 9 năm 2016, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 21 về thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, việc luân chuyển, điều động cán bộ được thực hiện theo nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ; điều động, luân chuyển các chức danh để bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm đều có kế hoạch và thực hiện nghiêm túc. Cán bộ và cơ quan có cán bộ điều động, luân chuyển (đi và đến) nghiêm túc chấp hành quyết định điều động, luân chuyển của Ban Thường vụ Thành ủy; cơ quan có cán bộ được điều động, luân chuyển đến tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ hoàn thành nhiệm vụ.
Việc điều động, luân chuyển cán bộ phải được tiến hành thận trọng, chuẩn bị kỹ về kế hoạch và các bước thực hiện; giải quyết tốt quan hệ giữa điều động, luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu ở các ngành, lĩnh vực thành phố đang cần. Căn cứ vào tình hình thực tế, hàng năm Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất về số lượng, nhân sự cụ thể để quyết định việc điều động, luân chuyển cán bộ nhằm bố trí hợp lý cán bộ giữa các phòng, ban, đơn vị và các xã, phường.
Ban Thường vụ Thành ủy Ninh Bình yêu cầu thông qua việc thực hiện kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý giai đoạn 2016-2020 khắc phục khuynh hướng cục bộ, khép kín trong từng đơn vị; tâm lý thỏa mãn, trì trệ của cán bộ; tạo điều kiện để cho cán bộ được rèn luyện, thử thách, nhất là lực lượng cán bộ trẻ có triển vọng, giúp cán bộ có kiến thức thực tế, trưởng thành toàn diện, đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trước mắt cũng như lâu dài của thành phố.
Thực hiện công tác điều động, luân chuyển cán bộ, các cấp ủy trên địa bàn thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, coi đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài của thành phố. Các cấp ủy đã quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển; thường xuyên theo dõi, giúp đỡ cán bộ điều động, luân chuyển phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ được luân chuyển.
Thực hiện Kế hoạch số 21, đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy đã thực hiện điều động, luân chuyển 28 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong đó điều động luân chuyển cán bộ từ thành phố xuống xã, phường công tác 3 đồng chí; từ xã, phường lên thành phố 2 đồng chí; giữa các xã, phường 9 đồng chí; giữa khối Đảng, đoàn thể sang khối chính quyền và ngược lại 8 đồng chí; giữa các phòng, ban 6 đồng chí. Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch và thực hiện điều động 58 cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa các trường THCS, Tiểu học và Mầm non thuộc thành phố; chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 158 và Nghị định số 150 của Chính phủ đối với 37 công chức chuyên môn ở các xã, phường; 14 kế toán giữa các trường THCS, Tiểu học theo đúng quy định.
Quan tâm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), thành phố Ninh Bình đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, Thành ủy Ninh Bình đã chỉ đạo các cấp ủy thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hàng năm, Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đối với cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, có năng lực, trình độ; cán bộ trong quy hoạch đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và để chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ kế cận những nhiệm kỳ tiếp theo.
Trong những năm qua, thành phố đã cử 1 đồng chí đi học ở Hàn Quốc; 70 đồng chí đi học cao cấp lý luận Chính trị - Hành chính hệ tập trung và hệ tại chức; 55 đồng chí đi đào tạo sau đại học; cử 447 cán bộ đi học Trung cấp lý luận chính trị. Thành phố cũng đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 847 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; tổ chức 11 lớp sơ cấp lý luận chính trị cho 306 cán bộ xã, phường và chi bộ thôn, phố và các đoàn thể; 57 lớp bồi dưỡng các chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, đoàn thể cho 9.382 cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt, việc bố trí cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm theo hướng học tập thực tế để tham khảo những cách làm hay, sáng tạo ở các địa phương nhằm áp dụng vào thực tiễn ở thành phố, đảm bảo khoa học, linh hoạt. Do vậy, trong những năm gần đây, thành phố đã cử 2 đoàn cán bộ của xã Ninh Nhất và Ninh Tiến đi học tập mô hình du lịch ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); cử 3 đoàn cán bộ các phòng, ban, đoàn thể thành phố và các xã, phường đi học tập kinh nghiệm về quản lý đô thị, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường ở Đà Nẵng, Lào Cai, Tuyên Quang.
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Chất lượng cán bộ cơ sở đã từng bước được củng cố. Số cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo bồi dưỡng trở về công tác cơ bản đã phát huy được năng lực, sở trường, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở được nâng lên so với trước. Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức và hợp đồng lao động của thành phố là 2.076 người, trong đó: Cán bộ trẻ (từ 30 tuổi trở xuống) có 255 người, chiếm tỷ lệ 12,28%; cán bộ nữ 1.657 người (79,82%); cán bộ là đảng viên 1.278 đồng chí (61,56%). Đại đa số có trình độ chuyên môn cao, trong đó Tiến sỹ 1 người (chiếm tỷ lệ 0,48%); Thạc sỹ 106 người (5,11%); cán bộ, viên chức có trình độ đại học chiếm tỷ lệ trên 75%.
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố ngày càng được nâng cao, chất lượng tham mưu, đề xuất ngày một hiệu quả hơn. Đội ngũ cán bộ được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn và trưởng thành về nhiều mặt; nhiều đồng chí có sự đổi mới về tư duy, năng động, dám nghĩ, dám làm và quyết đoán trong công việc được phân công, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Mai Lan