Bài toán khó
Những năm gần đây, việc tăng số học sinh tiểu học một cách "đột biến" trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã phát sinh nhiều vấn đề mà ngành Giáo dục không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Đặc biệt tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp đang là bài toán khó cho các trường tiểu học trên địa bàn.
Trường Tiểu học Đông Thành năm học này có 960 học sinh với 26 lớp. Bước vào năm học, trường đã đưa vào sử dụng một dãy phòng học 2 tầng kiên cố khắc phục tình trạng thiếu lớp học như các trường trên địa bàn. Tuy nhiên, theo định biên thì trường đang thiếu 5 giáo viên. Trước khó khăn này nhà trường buộc phải chia 1 lớp 3 ra ghép với 4 lớp còn lại để học sinh sớm ổn định học tập.
Tuy nhiên giải pháp này không được phụ huynh chấp nhận và kiên quyết đề nghị nhà trường không tách lớp. Trước những đề nghị khẩn thiết của phụ huynh nhà trường đã trả lại hiện trạng lớp cũ, đồng thời điều động giáo viên bộ môn tạm thời đứng lớp đến khi có giáo viên mới được điều động về trường. Cũng trong năm học này, trường tuyển sinh được 245 học sinh lớp 1.
Tuy nhiên việc thiếu giáo viên cũng dẫn đến tình trạng bình quân trên 40 học sinh/lớp. Với sỹ số này, không chỉ sai với quy chế trường Tiểu học mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục cũng như giáo viên chủ nhiệm.
Theo Điều lệ trường Tiểu học thì mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Bởi quy chuẩn phòng học hiện nay thì diện tích lớp học là khoảng 40 m2. Với diện tích như trên sẽ đảm bảo đủ để xếp 3 dãy bàn 2 chỗ ngồi, mỗi dãy 6 bàn. Tổng cộng là 18 bàn với 36 chỗ ngồi trong một lớp học.
Bên cạnh đó, hiện nay các trường đang áp dụng dạy theo chương trình VNEN là giáo viên thiết kế các hoạt động học để học sinh tự học, giáo viên quan sát và có các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Với cách tổ chức như vậy, số lượng 35 học sinh trên lớp là phù hợp tạo không khí thi đua giữa các nhóm học sinh.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất đã dẫn đến tình trạng hầu hết các trường tiểu học ở trung tâm thành phố Ninh Bình làm sai quy định, bình quân số lượng học sinh/lớp đều vượt quá quy định.
Tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, một trong những trường có quy mô lớn nhất thành phố Ninh Bình với trên 1.500 học sinh. Hiện trường đang thiếu 9 giáo viên. Năm học này trường tuyển sinh lớp 1 được 370 học sinh. Tuy nhiên do tình trạng thiếu giáo viên nên sỹ số mỗi lớp trung bình là 41 cháu. Bình quân số học sinh/lớp cao nhất phải kể đến Tiểu học Đinh Tiên Hoàng với 42,9 học sinh/lớp; một số trường như Tiểu học Thanh Bình, Tiểu học Tân Thành do thiếu giáo viên nên cũng dẫn đến tình trạng sỹ số/lớp vượt quá quy định.
Để giải bài toán này, các trường tiểu học trên địa bàn đã huy động tất cả giáo viên bộ môn cùng chung vai vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Nhiều trường điều chỉnh thời khóa biểu luân phiên để học sinh đảm bảo học đủ 2 buổi/ngày, huy động đội ngũ thầy, cô giáo có kinh nghiệm lâu năm, sắp xếp giáo viên có chuyên môn sâu (kể cả Ban giám hiệu) hỗ trợ tăng giờ, tăng tiết đứng lớp giảng dạy.
Giải pháp tình thế
Theo số liệu thống kê của ngành giáo dục, năm học 2017-2018, bậc tiểu học có 11.362 học sinh, tăng gần 700 học sinh. Nếu tính theo Thông tư Liên tịch số 35/2006/TTLT/BGDĐT-BNV của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về mức biên chế viên chức giáo dục thì đối với trường tiểu học dạy 2 buổi trong ngày được bố trí biên chế không quá 1,50 giáo viên trong 1 lớp. Như vậy, các trường tiểu học hiện nay đang áp dụng dạy 2 buổi/ngày. Nếu tính theo Thông tư này, chỉ riêng trong năm học 2017-2018 thành phố Ninh Bình đã thiếu khoảng 30 giáo viên.
Làm việc với ông Bùi Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục thành phố Ninh Bình chúng tôi được biết: Vài năm trở lại đây, do tình trạng đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến tăng cơ học đột biến số học sinh vào lớp 1, dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên tiểu học. Hiện nay, thống kê bậc tiểu học đang thiếu 47 giáo viên.
Năm 2017, thành phố Ninh Bình được tuyển 15 chỉ tiêu giáo viên tiểu học nhưng qua thi tuyển chỉ có 12 giáo viên trúng tuyển và đã được phân về các trường. Theo kết quả điều tra giáo dục phổ cập năm học 2018-2019, số học sinh vào lớp 1 tiếp tục tăng khoảng 600 cháu. Với số học sinh này, năm học tiếp theo ngành Giáo dục thành phố Ninh Bình sẽ thiếu khoảng 100 giáo viên tiểu học.
Mặc dù thiếu đội ngũ giáo viên tiểu học nhưng ngành Giáo dục thành phố Ninh Bình vẫn không thể tuyển một cách ồ ạt. Lý giải về vấn đề này, ông Bùi Quang Vinh cho rằng: Tình trạng thiếu giáo viên tiểu học đã diễn ra nhiều năm nay, tuy nhiên ngành Giáo dục không tuyển được giáo viên vì tổng chỉ tiêu tổng biên chế tỉnh giao cho toàn ngành Giáo dục thành phố đã đủ. Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án tinh giản biên chế khiến cho ngành Giáo dục chỉ tuyển được "nhỏ giọt" không đáp ứng được nhu cầu giáo viên ở các trường tiểu học trên địa bàn.
Nhằm đảm bảo số lượng giáo viên cho năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; đề xuất hợp đồng giáo viên thực hiện nhiệm vụ năm học 2017-2018. Bên cạnh đó, các trường cũng đã sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo yêu cầu giảng dạy.
Bài toán thiếu giáo viên đã và đang được các trường trong thành phố xử lý bằng việc dồn lớp, bố trí đội ngũ giáo viên phù hợp... Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, nhất là đặc thù ngành Giáo dục có số lượng lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn, nghỉ thai sản hàng năm nhiều; trong khi biên chế các cấp học hiện chưa được giao đủ theo định mức phát triển giáo dục hàng năm. Vì vậy, về lâu dài cần sớm xem xét bổ sung biên chế phù hợp cho ngành Giáo dục thành phố.
Nguyễn Thơm