Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia thực hiện. Đại đa số các gia đình tham gia phong trào đều thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, có ý thức tự giác trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như các quy định của địa phương. Hàng năm, Ban chỉ đạo các cấp đã hướng dẫn, triển khai đến từng thôn, phố tiến hành bình xét và công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", tổ chức khen thưởng, kịp thời động viên và nhân rộng mô hình "Gia đình văn hóa" tiêu biểu, do đó số lượng, chất lượng gia đình văn hóa đã từng bước được nâng lên. Năm 2000, có 14.145/17.136 hộ gia đình được công nhận "Gia đình văn hóa", bằng 82,5%; năm 2015, có 30.334/32.247 hộ được công nhận "Gia đình văn hóa", bằng 94,1%, tăng 11,6% so với năm 2000. Kết quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc". Trong xây dựng thôn, phố văn hóa, 15 năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở, trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp. Việc bình xét, công nhận danh hiệu thôn, phố văn hóa được tiến hành theo đúng quy trình, thủ tục dựa trên các tiêu chuẩn quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và quy chế của UBND thành phố.
Tỷ lệ thôn, phố đạt danh hiệu thôn, phố văn hóa hàng năm tăng dần: Năm 2000, có 46% thôn, phố văn hóa; đến năm 2015, có 82% thôn, phố văn hóa, tăng 36% so với năm 2000. Từ năm 2012 đến nay, thực hiện xây dựng thôn, phố văn hóa theo tiêu chí mới, có 160/183 thôn, phố được công nhận đạt danh hiệu "Thôn, phố văn hóa" 2 năm liên tục (công nhận lần đầu), đạt tỷ lệ 87,4%...
Phong trào xây dựng thôn, phố văn hóa đã góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đẩy lùi và xóa bỏ các tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, duy trì trật tự an toàn xã hội; góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển.
Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn thành phố được duy trì thực hiện có nền nếp. Từ năm 2012, thực hiện Thông tư số 01 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, LĐLĐ thành phố đã tích cực tham mưu cho Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" thành phố triển khai hướng dẫn quy trình, thủ tục đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa".
Hàng năm, Ban chỉ đạo thành phố đã tổ chức kiểm tra, xét đề nghị LĐLĐ tỉnh công nhận danh hiệu cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn và khen thưởng những đơn vị thực hiện tốt quy ước xây dựng cơ quan văn hóa. Năm 2012, có 75 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn được công nhận đạt danh hiệu văn hóa (công nhận lần đầu).
Năm 2013, có 75 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận giữ vững danh hiệu văn hóa; 42 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa (lần đầu). Từ năm 2014, thực hiện Thông tư số 08 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, thẩm quyền công nhận thuộc UBND cấp huyện.
Trên cơ sở kết quả đăng ký thi đua và triển khai thực hiện phong trào của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, UBND thành phố đã công nhận 99 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa năm 2014; 132 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa năm 2015; công nhận và cấp Giấy công nhận 88 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 2 năm (2014-2015).
Quá trình thực hiện phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã củng cố và nâng cao kỷ cương, nề nếp nơi công sở; ý thức chấp hành kỷ luật công tác, cũng như xây dựng môi trường văn hóa nơi làm việc được chú trọng. Bên cạnh đó, phong trào đã tạo động lực để mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phấn đấu nâng cao hiệu quả công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" được phát động và triển khai rộng khắp ở các cấp, các ngành. Thể thao thành tích cao thu được nhiều kết quả, thành phố luôn là đơn vị dẫn đầu trong các kỳ Đại hội TDTT cấp tỉnh. Thể thao quần chúng phát triển rộng khắp. Nhân dịp ngày lễ, tết, thành phố và các xã, phường đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, tennis, việt dã….
Năm 2014, 14/14 xã, phường đã đồng loạt tổ chức Lễ phát động "Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân" với sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, nhiều Câu lạc bộ TDTT như: CLB thể dục dưỡng sinh, CLB xe đạp, võ thuật, bóng bàn, cầu lông, bi-a… hoạt động thường xuyên tại khu dân cư đã thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân, thanh, thiếu niên tham gia, góp phần đưa phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại ngày càng phát triển. Đến nay, toàn thành phố có khoảng 40% người luyện tập thể thao thường xuyên.
Công tác xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được chú trọng. UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; đồng thời ban hành quy định cụ thể thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội phù hợp với đặc thù đô thị.
Qua 15 năm thực hiện đã đem lại nhiều kết quả đáng phấn khởi. Nhìn chung, việc cưới, việc tang, các hoạt động lễ hội trên địa bàn thành phố dần đi vào nền nếp, tiến bộ hơn, văn minh, tiết kiệm hơn; đã xóa bỏ, giảm bớt nhiều hủ tục lạc hậu, rườm rà, mê tín dị đoan; giữ gìn và phát huy được thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của địa phương, tạo đời sống tinh thần lành mạnh, gắn kết cộng đồng dân cư.
Có được những kết quả đáng phấn khởi trong xây dựng đời sống văn hóa phải kể đến công tác đầu tư, xây dựng và đẩy mạnh hoạt động của các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở. Theo đó, mặc dù còn nhiều khó khăn, song hàng năm thành phố đã đầu tư kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân; tiến hành quy hoạch và xây dựng công viên Thúy Sơn, công viên cây xanh 2 bờ sông Vân, hồ Kỳ Lân, hồ Lâm Sản, hồ Máy Xay, hồ Biển Bạch, các khu trung tâm văn hóa - thể thao của các phường và thôn, phố. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở.
Đến nay, cấp thành phố có 1 Trung tâm văn hóa, thông tin - thể thao, 1 sân thể thao công cộng. ở 14/14 xã, phường có nhà văn hóa - thể thao; 143/183, bằng 78% thôn, phố có điểm sinh hoạt văn hóa; 8/14 xã, phường có sân thể thao công cộng và hàng trăm sân chơi thể thao (sân bóng đá, cầu lông, tennis…) của các thôn, phố, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị, phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu TDTT của các tầng lớp nhân dân.
Mỹ Hạnh