Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Kết luận 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính trị là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài. Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Đề án thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cái cách hành chính tỉnh Ninh Bình là hoàn toàn cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, của thành phố. Thực hiện chủ trương này, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án rất quyết liệt, sát sao, xây dựng cụ thể các bước tiến hành hợp lý như: Rà soát, thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học… Đồng thời, thành phố đã quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, tập trung tuyên truyền rộng rãi để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, hiểu được chủ trương của tỉnh về tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối với cán bộ không chuyên trách ở thôn, xóm, phố. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, việc phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể nhịp nhàng, tạo sự đồng thuận cao. 2 đơn vị làm điểm của thành phố là phường Thanh Bình và Tân Thành đã tổ chức thực hiện cơ bản đúng nội dung Đề án đã được phê duyệt.
Thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính, thành phố Ninh Bình tập trung vào việc thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin kiêm Trưởng đài truyền thanh. Việc nhất thể hóa chức danh cơ bản được thực hiện theo quy định, bước đầu tạo sự chuyển biến về sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị tinh gọn, hiệu quả. Đã tinh giản được chức danh cấp trưởng, phù hợp với nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII. Với việc Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị sau thực hiện đã bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của hai cơ quan; sự phối kết hợp trong hoạt động giữa Trung tâm và các cơ quan, đơn vị, các tổ chức cơ sở đảng có nhiều thuận lợi và hiệu quả hơn. Việc chỉ đạo công tác tư tưởng, công tác lý luận và công tác bồi dưỡng cán bộ, đảng viên tại Trung tâm được trực tiếp, có hiệu quả và có sự thống nhất hơn. Việc chỉ đạo công tác tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, đảng viên không chồng chéo.
Đối với việc thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin kiêm Trưởng Đài truyền thanh đã giúp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp nhận và triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách đồng nhất, thông suốt, cụ thể và kịp thời hơn. Đồng thời, từng bước nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là đối với đồng chí cấp trưởng và cấp phó, giúp cho cán bộ được rèn luyện, nâng cao trình độ, tự chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp trên. Bên cạnh đó, sự phối hợp của hai đơn vị trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền được chặt chẽ, kịp thời.
Thực hiện việc kiêm nhiệm một số chức danh người hoạt động không chuyên trách ở phường, tổ dân phố tại 2 phường Thanh Bình và Tân Thành, số người tham gia hoạt động không chuyên trách và người hưởng phụ cấp, hỗ trợ khác từ ngân sách ở 2 phường đã giảm được 72 người, đạt tỷ lệ 29,8%. Mức giảm chi ngân sách khi bố trí sắp xếp kiêm nhiệm ở phường và tổ dân phố của 2 phường giảm gần 42 triệu đồng/năm. Ngoài ra còn giảm được các chi phí khác như chi hội nghị, chi ngày lễ, ngày tết, văn phòng phẩm… Sau 1 năm triển khai thực hiện kiêm nhiệm, hiệu quả rõ nét cho thấy đã giảm được số người hoạt động không chuyên trách, người hưởng phụ cấp, trợ cấp khác từ ngân sách trong hệ thống chính trị ở cơ sở; giảm chi kinh phí từ ngân sách Nhà nước; giảm các hội nghị triển khai nhiệm vụ hàng tháng, đồng thời tiết kiệm chi phí các hội nghị, văn phòng phẩm… Bên cạnh đó, chức danh kiêm nhiệm cơ bản phù hợp với khả năng, năng lực của từng cán bộ, nhiều đồng chí đã phát huy tinh thần trách nhiệm, gắn bó với công việc được giao và hoàn thành tốt nhiệm vụ của chức danh kiêm nhiệm. Chất lượng, hiệu quả làm việc của những chức danh kiêm nhiệm được nâng lên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hoạt động chính quyền ở cơ sở, kết quả về phát triển kinh tế - xã hội được nâng lên. Cán bộ kiêm nhiệm có thêm điều kiện tích lũy kiến thức, nâng cao trách nhiệm, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong thực hiện Đề án, thành phố Ninh Bình còn thực hiện một nội dung quan trọng là nhiệm vụ cải cách hành chính với nội dung "Nâng cấp Trung tâm một cửa liên thông" của thành phố theo hướng hiện đại. Thành phố đã tổ chức hội nghị tập huấn, chuyển giao và hướng dẫn sử dụng Hệ thống cổng dịch vụ công (Một cửa điện tử) tỉnh Ninh Bình cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các phòng, ban, đơn vị của thành phố thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính. Thực hiện xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở một số thủ tục hành chính. Thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan xây dựng phương án bố trí sắp xếp cán bộ làm việc tại Trung tâm phù hợp với các lĩnh vực. Rà soát các thủ tục hành chính theo các văn bản mới ban hành, thống nhất đưa toàn bộ các thủ tục hành chính ra tiếp nhận tại Trung tâm theo Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 6/1/2017 của UBND tỉnh. Đến thời điểm hiện tại thành phố đã xây dựng xong Trung tâm một cửa liên thông và lắp đặt hệ thống mạng LAN. Đầu tháng 12/2017 sẽ thực hiện vận hành chạy thử, dự kiến tháng 1/2018 tổ chức khai trương và đi vào hoạt động.
Qua 1 năm triển khai thực hiện Đề án cho thấy bước đầu Đề án đã thành công, tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn thành phố, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kết quả bước đầu từ Đề án đã tạo sự chuyển biến về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, tinh giản biên chế, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị của thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án ở thành phố Ninh Bình còn bộc lộ một số khó khăn, tồn tại: Khi thực hiện nhất thể hóa các chức danh, đồng chí thủ trưởng kiêm nhiệm phải đảm nhiệm khối lượng công việc tương đối lớn. Một số cán bộ được bố trí kiêm nhiệm ở một số chức danh còn hạn chế về năng lực trình độ, chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Còn khó khăn khi bố trí một số chức danh bắt buộc về giới tính, độ tuổi, trình độ chuyên môn. Chế độ, chính sách, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách nói chung còn thấp nên chưa tạo được động lực để cán bộ yên tâm công tác…
Phan Hiếu