Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị, quản lý trật tự, vệ sinh môi trường đối với việc xây dựng thành phố Ninh Bình ngày càng văn minh, hiện đại, cấp ủy, chính quyền thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân Thành phố đã tổ chức trên 200 cuộc tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh đô thị, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hàng trăm nghìn lượt người nghe.
Từ đó, những nội dung xây dựng nếp sống văn minh đô thị, quản lý trật tự, vệ sinh môi trường đô thị đã được phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Từ nhận thức đến hành động, người dân thành phố từng bước hình thành ý thức tự giác, tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị, quản lý trật tự, vệ sinh môi trường bằng những việc làm cụ thể như thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện tốt quy ước, hương ước xóm, phố; đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT... Đại bộ phận nhân dân ngày càng nhận thức rõ nhu cầu, tính thiết thực của việc thực hiện văn minh đô thị đối với từng thành viên trong gia đình, đối với cộng đồng xã hội. Tỷ lệ gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa ngày càng cao. Hiện thành phố có 91,5% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa và 88% cơ quan là cơ quan văn hóa. Nếp sống đô thị đang hình thành trong sinh hoạt của người dân từ cách đi lại, ăn uống, mua sắm, vui chơi, giải trí đến phong cách giao tiếp, trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, thái độ làm việc, phục vụ của cán bộ, công nhân, viên chức…
Trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, thành phố đã tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, tạo cho thành phố một diện mạo mới. Thành phố đã thực hiện thành công việc xóa bỏ trên 1.000 lò vôi; xóa bỏ đóng gạch xỉ, gạch blốc và nghiền vôi trong khu dân cư; triển khai thực hiện có hiệu quả trên 140 dự án giải phóng mặt bằng, liên quan đến gần 20.000 lượt hộ dân, trong đó có nhiều dự án lớn, rất phức tạp như dự án nạo vét, kè và trồng cây xanh hai bờ sông Vân.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, những năm qua, thành phố đã chủ động khai thác hợp lý quỹ đất để tạo ra nguồn vốn gần 2.000 tỷ đồng tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất, góp phần làm cho kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng đồng bộ, từng bước văn minh, hiện đại. Cùng với đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị: quản lý, duy trì hệ thống điện chiếu sáng; trồng mới, cải tạo cây xanh, vườn hoa, khuôn viên; cải tạo đường giao thông, vỉa hè...
Hiện nay, toàn thành phố có 25 tuyến phố văn minh đô thị, tỷ lệ đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 96%; tỷ lệ giao thông nội thành có vỉa hè đạt tiêu chuẩn chiếm 65%; đường phố có điện chiếu sáng công cộng đạt 77%; tỷ lệ hộ gia đình khu vực nội thành được dùng nước máy đạt 100%. Công tác kiểm tra chấn chỉnh trật tự đô thị được thực hiện với nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện văn minh đô thị ở thành phố vẫn còn một số tồn tại như ý thức của một bộ phận nhân dân thành phố còn chưa cao; việc kinh doanh buôn bán lấn chiếm vỉa hè, đậu đỗ xe ở lòng đường làm ảnh hưởng đến ATGT và mỹ quan đô thị vẫn còn diễn ra.
Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng, thực hiện văn minh đô thị nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc xây dựng và thực hiện văn minh đô thị; tăng cường quản lý về trật tự đô thị, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản về quản lý đô thị, quy chế hoạt động, sử dụng, khai thác các công trình công cộng; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huy động các nguồn lực trong xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông, vỉa hè, công viên, điểm vui chơi giải trí; tiếp tục thực hiện việc đặt tên đường phố và gắn biển số nhà ở các đường phố đã có tên, lồng ghép việc xây dựng và thực hiên văn minh đô thị vào phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phong trào xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp và phong trào của các cơ quan, đơn vị, các ngành, đoàn thể; đưa nội dung xây dựng văn minh đô thị vào các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa, khu phố văn hóa…
Quỳnh Thu