Cùng với thành tựu phát triển kinh tế, nét nổi bật nhất trong năm là Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đã nỗ lực, tập trung cao cho công tác giảm nghèo, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố chỉ còn 1,12%.
Niềm vui nhân đôi với người nghèo
Trong cái rét ngọt của những ngày cuối năm, chúng tôi về phường Thanh Bình-phường đầu tiên của Thành phố Ninh Bình đã phấn đấu xóa hết hộ nghèo trong năm 2008.
Theo chân các đồng chí lãnh đạo phường, chúng tôi đến thăm gia đình ông Vũ Quốc Hùng ở phố Vạn Xuân 1. Mùa xuân này, ông Hùng tròn 80 tuổi, bà Loan, vợ ông cũng đã ngoài 70. Tuổi cao, sức yếu, song giáp Tết Nguyên đán năm trước, bà Loan vẫn phải bươn chải làm thuê kiếm sống. Xuân năm nay, nhờ có sự hỗ trợ của thành phố, của phường, ông bà đã được đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang, ấm cúng. Niềm vui của ông bà còn được nhân đôi bởi từ tháng 7-2008, mỗi người được Thành phố trợ cấp 145.000 đồng/người/tháng, cùng với số tiền được hưởng theo Nghị định 67 của Chính phủ, ông bà đã có mức thu nhập 265.000 đồng/người/tháng. Rưng rưng rót chén trà nóng mời khách, bà Loan xúc động nói với chúng tôi: Nếu không có sự giúp đỡ của thành phố và phường, vợ chồng tôi không thể có ngày hôm nay, chúng tôi biết ơn các cấp ủy đảng, chính quyền nhiều lắm.
Tới thăm gia đình chị Bùi Thị Phương ở phố Bắc Sơn, chúng tôi vui lây với niềm vui của mẹ con chị. Chị Phương vừa bán đôi lợn được 4 triệu đồng và dự định sẽ dành 1 triệu đồng để sắm Tết. Chồng mất sớm, các con còn nhỏ, gia đình chị đã trải qua những ngày cơ cực, túng thiếu. Năm 2008, chị Phương được thành phố, phường hỗ trợ sửa chữa nhà với số tiền hơn 20 triệu đồng, đồng thời được hỗ trợ vốn, con giống để phát triển chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Chị Phương còn được "biên chế" vào đội thu gom rác của phường, nhờ đó, gia đình chị đã thoát nghèo. Niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt sạm nắng, chị Phương bùi ngùi tâm sự với chúng tôi: "Trong mơ tôi cũng không tưởng tượng nổi ba mẹ con lại có ngày hôm nay, tôi sẽ chăm chỉ làm ăn để không phụ sự giúp đỡ, cưu mang của cán bộ phố, phường và bà con trong khu phố".
Đường phố Ninh Bình mùa xuân. Ảnh: P.V
Cùng với gia đình ông Hùng, chị Phương, mùa xuân này, thành phố Ninh Bình còn hơn 200 hộ gia đình khác có chung niềm vui đã thoát nghèo. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thành phố đã giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,12% cuối năm 2008. Đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn còn 316 hộ.
Năm qua, Thành phố đã dấy lên các hoạt động chung tay xây mái ấm cho hộ nghèo, tính đến hết tháng 11-2008, Thành phố đã huy động được tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng giúp 137 hộ nghèo, hộ chính sách xây, sửa chữa, cải tạo nhà, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ 2 tỷ 731 triệu đồng, ngân sách phường, xã và huy động cán bộ, nhân dân, anh em dòng họ là 3 tỷ 268 triệu đồng. Cùng với hỗ trợ hộ nghèo xây, sửa nhà để "an cư lạc nghiệp", các cấp, các ngành của thành phố còn tích cực giúp hộ nghèo "cần câu" để thoát nghèo. Trong năm, Thành phố đã đầu tư kinh phí 223 triệu đồng cùng với kinh phí của tỉnh tổ chức 14 lớp đào tạo nghề tại Trung tâm dạy nghề Thành phố cho 487 lao động là người nghèo, người cận nghèo, hộ có đất bị thu hồi.
Đặc biệt, Thành phố đã tiết kiệm chi, bắt đầu từ tháng 7-2008, hỗ trợ cho 84 hộ nghèo cô đơn độc thân 145.000 đồng/người/tháng để mỗi người có thu nhập 265.000 đồng/tháng, đảm bảo thoát nghèo. 86 hộ nghèo có nhu cầu, đã được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tổng số tiền 806 triệu đồng, 100% lãi suất vay vốn được thành phố hỗ trợ.
Đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo như: Tuổi trẻ Thành phố phát động phong trào vì cuộc sống cộng đồng, huy động cán bộ, đoàn viên thanh niên đóng góp tiền mua 10 con bò tặng hộ nghèo ở 3 xã Ninh Tiến, Ninh Nhất, Ninh Phúc; cán bộ, hội viên phụ nữ phường Thanh Bình quyên góp được hơn 4 triệu đồng mua con giống tặng gia đình hội viên nghèo phát triển chăn nuôi… Có thể thấy, các hoạt động vì người nghèo đã và đang được nhân rộng, tỏa sáng trên địa bàn thành phố.
Phấn đấu xóa nghèo bền vững
Tiếp chúng tôi trong bộn bề công việc của những ngày giáp Tết, đồng chí Đinh Văn Điến, TVTU, Bí thư Thành ủy Ninh Bình cho biết, Thành phố đã chuẩn bị hơn 300 triệu đồng để tổ chức thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu.
Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng bày tỏ sự trăn trở, rằng năm qua, tuy Thành phố đã tập trung cao cho công tác giảm nghèo, song bên cạnh việc giúp 229 hộ thoát nghèo, vẫn có 50 hộ nghèo mới. Điều đó đặt ra nhiệm vụ cho các cấp ủy đảng, chính quyền là phải chú trọng các giải pháp để xóa nghèo bền vững, không để các hộ tái nghèo. Từ sự trăn trở đó, ngay trong phiên họp tổng kết cuối năm, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố đã dành nhiều thời gian thảo luận các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội. Một trong những giải pháp mang đậm ý nghĩa nhân văn đó là toàn Thành phố sẽ tiết kiệm chi tiêu, dành nguồn kinh phí gần đưa vào chi phí thường xuyên hàng tháng để hỗ trợ 251 hộ nghèo cô đơn độc thân không nơi nương tựa, các cháu mồ côi cha mẹ, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi hộ là 145.000 đồng/tháng.
Thành phố cũng đã có kế hoạch cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các cháu tàn tật, mồ côi, những người cận nghèo ốm đau kéo dài để họ thoát nghèo một cách bền vững. Với sự sẻ chia này, sẽ là nguồn động viên cả về vật chất lẫn tinh thần để các hộ vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ủng hộ quỹ "vì người nghèo", huy động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện xã hội hóa công tác giảm nghèo. Một giải pháp quan trọng là giúp hộ nghèo "cần câu" để thoát nghèo, thông qua việc tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ giống, vốn, lãi suất vay vốn, kinh nghiệm sản xuất, làm ăn…
Trong chiến lược phát triển lâu dài, Thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, hỗ trợ vốn vay, thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Đây cũng là một biện pháp hữu hiệu để giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là hộ nghèo.
Năm qua, Thành phố tiến hành giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề Ninh Phong, giai đoạn 1 đã thu hút 12 doanh nghiệp và trên 100 hộ gia đình đăng ký đầu tư. Khi các doanh nghiệp đi vào hoạt đông sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Thu Thủy