Từ cuộc vận động (CVĐ), ý thức trách nhiệm, tình yêu nghề nghiệp, tinh thần sáng tạo trong chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được khơi dậy mạnh mẽ. Qua đó, góp phần đẩy lùi các tiêu cực trong ngành, nâng cao chất lượng dạy và học, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo của thành phố ngày càng phát triển.
Trường THCS Lý Tự Trọng là một trong những đơn vị thực hiện tốt CVĐ "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Thời gian qua, tập thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên của Trường đã nỗ lực thực hiện CVĐ bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Nhà trường thường xuyên quan tâm tổ chức quán triệt chuẩn nghề nghiệp giáo viên, các chỉ thị, văn bản liên quan đến đạo đức nhà giáo, công tác dạy và học; cán bộ, giáo viên ý thức nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của người giáo viên, thực sự xứng đáng là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo để học sinh noi theo.
Cô giáo Đặng Thị Hải, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử, Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: Đối với môn Lịch sử, nhất là ở bậc THCS là môn học khô khan, không thu hút được nhiều học sinh. Do vậy, người thầy lúc này có vai trò quan trọng giúp các em trước là "chịu học", sau mới là yêu thích, đam mê. Gần 30 năm giảng dạy môn Sử, cô giáo Hải cho biết, những giáo viên dạy Sử đòi hỏi phải không ngừng tự học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để có phương pháp sư phạm áp dụng vào từng bài học nhằm mang lại hiệu quả giờ dạy cao nhất. Là người phụ trách và tham gia tập huấn đội tuyển HSG môn Lịch sử của Trường THCS Lý Tự Trọng, cô giáo Hải đã không ngừng tự học tập, tham khảo các tài liệu trên các tạp chí, sách báo của ngành, đặc biệt trong hệ thống bài giảng điện tử nhằm có cách giảng hay, hiệu quả, như phối hợp giữa hình ảnh với bài giảng để tiết học sinh động, lồng ghép các câu chuyện về những vị vua, các anh hùng dân tộc khi giảng dạy về lịch sử địa phương, về những trận đánh lớn…, qua đó học sinh dễ hiểu và nắm bắt được nội dung bài giảng cần truyền đạt, giúp các em hình thành nhân cách, lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Từ trách nhiệm, lòng yêu nghề, nhiều năm học qua, cô giáo Hải đã truyền niềm đam mê, yêu thích môn Lịch sử đến các em học sinh. Năm học 2012-2013, đội tuyển HSG môn Sử, Trường THCS Lý Tự Trọng tham gia thi cấp thành phố, có 7 em đi thi, cả 7 em đều đạt giải, trong đó có 1 giải nhất, 5 giải nhì và 1 giải ba. Hàng năm có từ 6-8, có năm hàng chục em thi đỗ vào lớp chuyên Sử, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, trở thành những hạt nhân đạt giải cao trong các kỳ thi HSG quốc gia, đem vinh quang về cho tỉnh…
Cô giáo Đặng Kim Duyên, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: Để thực hiện có hiệu quả CVĐ, nhà trường đã gắn kết việc thực hiện CVĐ "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và CVĐ "Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm", qua đó, mỗi cán bộ, giáo viên cam kết thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo, tích cực học tập, rèn luyện tu dưỡng bản thân, đổi mới công tác dạy học và giáo dục học sinh; nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công tác và cuộc sống đời thường; phát huy quyền dân chủ, tham gia đóng góp làm cho tập thể ngày càng vững mạnh. Hiện nay, Trường có 81 cán bộ, giáo viên, trong đó 100% đạt chuẩn và trên chuẩn. 100% cán bộ, giáo viên thực hiện nghiêm túc việc soạn bài, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Hàng năm, phong trào tự làm đồ dùng dạy học được các thầy, cô giáo thi đua thực hiện. Vừa qua, tại Hội thi thiết bị, đồ dùng dạy học tự làm cấp thành phố, trường có 11/14 đồ dùng, thiết bị tham gia dự thi đạt giải, trong đó có 4 giải nhất, 3 giải nhì, 3 giải ba, toàn đoàn xếp thứ nhất. 100% cán bộ, giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, giản dị, được phụ huynh, nhân dân và học sinh tôn trọng, tin yêu. Nhiều năm liền, nhà trường được tặng Bằng khen, giấy khen của Trung ương, của tỉnh và thành phố…
ở Trường Tiểu học Tân Thành, cô giáo Bùi Thị Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau hơn 5 năm thực hiện CVĐ "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về đạo đức nhà giáo toàn trường. Hầu hết các thầy, cô giáo đã không ngại khó khăn, ngoài tự học tập, rèn luyện còn tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, hội thao, hội giảng… do ngành tổ chức để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Kết quả, 37 cán bộ, giáo viên nhà trường, 100% đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Hàng năm, 100% cán bộ, giáo viên hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chi bộ nhiều năm được công nhận trong sạch, vững mạnh. Các tổ chức: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Liên đội TNTP Hồ Chí Minh nhiều năm liền đạt danh hiệu vững mạnh, tiên tiến xuất sắc… Bước vào năm học mới 2013-2014, cán bộ, giáo viên nhà trường tiếp tục phấn đấu nâng cao vai trò, uy tín của mình trong hoạt động giáo dục. Xây dựng những tấm gương sinh động về đạo đức, tinh thần tự học, không ngừng đổi mới và sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát huy tinh thần sáng tạo của đội ngũ nhà giáo. Chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện nội dung và các hoạt động giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa...
Bà Lương Thị Thanh Vân, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình cho biết: Để triển khai tốt CVĐ "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo", thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình đã phối hợp lồng ghép với các CVĐ, như: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý", CVĐ "Hai không" và các phong trào thi đua: "Dạy tốt - học tốt", "Giỏi việc trường, đảm việc nhà", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"… Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên đề, đào tạo trên chuẩn cho cán bộ, giáo viên được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện. Các phong trào thi đua dạy tốt được triển khai tích cực thông qua hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp thành phố, nhờ vậy, đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành đều được đào tạo chính quy, chuẩn hóa, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng cao. Hiện toàn ngành có trên 1.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó, trình độ chuyên môn 100% đạt chuẩn, có hơn 1 nghìn giáo viên có trình độ đại học, chiếm trên 65%; 20 giáo viên có bằng thạc sĩ. Về trình độ lý luận chính trị, hầu hết có trình độ sơ cấp và hơn 10% có trình độ trung cấp, cao cấp và cử nhân. Phong trào tự học, tự bồi dưỡng, làm đồ dùng dạy học, đồ chơi, viết sáng kiến kinh nghiệm, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý và dạy học được đẩy mạnh. Năm học 2012-2013, ngành GD&ĐT thành phố có 164 đề tài, sáng kiến được Hội đồng cấp thành phố công nhận, trong đó 13 sáng kiến được Hội đồng khoa học tỉnh công nhận, 10 sáng kiến được Hội đồng khoa học cấp ngành (Sở Giáo dục và Đào tạo) công nhận, có 2 đề tài được Tổng LĐLĐ cấp Bằng lao động sáng tạo…
Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo duy trì và phát huy kết quả đạt được của CVĐ "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Xây dựng kế hoạch triển khai CVĐ trong mỗi năm phải lồng ghép với kế hoạch chung của nhà trường, gắn với nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức và cá nhân, đơn vị. Tăng cường công tác tuyên truyền, tọa đàm, hội thảo về phẩm chất đạo đức, tự học và sáng tạo của cán bộ, nhà giáo và người lao động với các hình thức phong phú, cách làm sáng tạo gắn với việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, việc tổ chức, triển khai CVĐ cần gắn liền với đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt-học tốt", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và các CVĐ khác đang được tổ chức, triển khai tại các đơn vị trường học….
Mỹ Hạnh