Trường Tiểu học Lý Tự Trọng là một trong số trường có đông học sinh theo học trên địa bàn thành phố, với trên 1.700 học sinh, hàng năm luôn có trên 70% học sinh đăng ký ăn bán trú tại trường. Những năm học trước, nhà trường còn phải sử dụng khu nhà cấp 4 chật hẹp để nấu ăn cho học sinh nên các đồ dùng, thiết bị còn thiếu thốn, chưa hiện đại. Năm nay, nhà trường đã được UBND thành phố Ninh Bình đầu tư xây mới khu bếp ăn rộng 145m2, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, đảm bảo thiết kế chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Khi bước vào năm học mới, công trình đã cơ bản hoàn thiện, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh trong việc chăm sóc bữa ăn tại trường.
Cô giáo Vũ Thị Tuyết Trinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng cho biết: Do có khá đông học sinh theo học, hàng năm nhà trường xảy ra tình trạng thiếu lớp học, thiếu phòng chức năng, đặc biệt là quá tải bếp ăn bán trú. Năm học 2019-2020, tình trạng này đã cơ bản được khắc phục. Có cơ sở vật chất tốt, chúng tôi sẽ huy động thêm nguồn xã hội hóa để mua sắm thêm các phương tiện, đồ dùng, thiết bị phục vụ tốt nhất cho bếp ăn bán trú. Đặc biệt, tiếp tục duy trì việc nhập các nguyên liệu, thực phẩm..., đảm bảo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện đầy đủ các quy định trong chế biến, bảo quản, sử dụng thức ăn như kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn… phục vụ tốt nhất các bữa ăn bán trú cho học sinh, đảm bảo tuyệt đối ATTP và phát triển thể chất trong nhà trường.
Đối với Trường Mầm non Đông Thành, sau hơn 3 năm xây dựng, cuối tháng 5/2019, Trường được đưa vào sử dụng với tổng diện tích hơn 5.700m2 với đầy đủ các phòng học, phòng bộ môn, khu làm việc cho cán bộ, giáo viên và hệ thống tường bao, khuôn viên sáng, sạch, đẹp. Đặc biệt, khu vực bếp ăn bán trú được thiết kế theo chuẩn các nguyên tắc về đảm bảo ATTP nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động của bếp, đồng thời áp dụng quy tắc bếp ăn một chiều đảm bảo luôn thoáng mát, sạch sẽ. Bếp ăn được chia thành các khu riêng biệt, bao gồm: Khu đựng nguyên liệu, nơi chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để, phân chia thức ăn đã được nấu chín. Nhà trường có 8 cô nuôi, tất cả đều đã có chứng chỉ trung cấp nấu ăn, việc đảm bảo ATTP trong các bữa ăn bán trú cho trẻ được ưu tiên và quan tâm hàng đầu.
Chị Đinh Thị Tuần, nhân viên dinh dưỡng Trường Mầm non Đông Thành cho biết: Với việc được trang bị, đầu tư khu bếp ăn mới rất thuận lợi cho những người làm nhiệm vụ phục vụ bữa ăn cho trẻ, cùng với các dụng cụ, thiết bị hiện đại, hàng năm, các nhân viên dinh dưỡng tại Trường luôn được cử đi học các lớp học, tập huấn về ATTP do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tổ chức. Qua các lớp học, chúng tôi nắm bắt được quy trình sử dụng, chế biến thực phẩm đảm bảo vệ sinh, phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Do đó, bữa ăn của trẻ có đầy đủ các nhóm chất đạm, béo, đường, rau củ và trái cây, mang đến bữa ăn ngon miệng và đủ chất dinh dưỡng cho gần 500 trẻ em theo học tại trường.
Đồng chí Đinh Xuân Cấp, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình chia sẻ: Thành phố Ninh Bình là địa phương tập trung nhiều trường học nhất, tỷ lệ các trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh đông nhất tỉnh. Hiện trên địa bàn thành phố có 21 bếp ăn mầm non công lập, 72 bếp ăn mầm non tư thục, 14 bếp ăn tiểu học và 1 bếp ăn trung học phổ thông, phục vụ cho hàng chục nghìn học sinh ăn bán trú tại trường mỗi ngày. Để tiếp tục đảm bảo ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong các nhà trường, năm học 2019-2020, thành phố Ninh Bình đã đầu tư xây mới, sửa chữa, bổ sung thêm các trang thiết bị, đồ dùng hiện đại phục vụ các bếp ăn bán trú cho gần 10 trường tiểu học, mầm non trên địa bàn, với nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng. Việc đầu tư cho các bếp ăn bán trú, khu dinh dưỡng trong các nhà trường nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng các bữa ăn tập thể.
Ngoài tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các bếp ăn bán trú, hàng năm, ngay từ đầu năm học, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tổ chức ký cam kết, tập huấn, cấp giấy chứng nhận cho những người phụ trách nhà bếp ở các trường có tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình cũng thường xuyên phối hợp với ngành Y tế, các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc tổ chức ăn bán trú tại các nhà trường. Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về ATTP, các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho giáo viên, học sinh. Tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức, khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ nhân viên dinh dưỡng tại các trường học nhằm nâng cao ý thức về vấn đề ATTP.
Qua các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các bếp ăn tập thể các trường học bán trú hàng năm, hầu hết các nhà trường đều chấp hành đầy đủ các quy định về giấy tờ pháp lý, hồ sơ sổ sách, nhân viên phục vụ, thực hành vệ sinh cá nhân, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn, sử dụng nguồn nước ăn - uống đảm bảo, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng… Nhiều trường quan tâm đầu tư hệ thống nhà bếp như giá kệ để bát đĩa, tủ sấy, máy lọc nước, bếp từ, xây dựng quy trình chế biến thực phẩm nghiêm ngặt, hợp đồng chặt chẽ với nhà cung cấp thực phẩm đủ điều kiện... Chỉ còn một số ít bếp ăn tập thể thuộc các cơ sở giáo dục mầm non tư thục còn vi phạm quy định về ATTP, như chưa thực hiện tốt chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn; việc ký kết với các đơn vị cung cấp thực phẩm chưa có đầy đủ các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm… đều được nhắc nhở khắc phục triệt để, kịp thời.
Bài, ảnh: Hạnh Chi